Xã hội phát triển, áp lực từ công việc, gia đình, tiền bạc càng ngày càng lớn, làm bạn thường xuyên phải suy nghĩ quá nhiều, stress triền miên. Nó giống như một cực hình không chỉ làm giảm sút sức khỏe thể chất lẫn tinh thần mà nó còn làm tăng nguy cơ lão hóa cơ thể, dẫn tới tình trạng tóc bạc sớm. Hãy cùng tìm hiểu tại sao stress lại gây bạc tóc và cách khắc phục tình trạng này qua bài viết sau.
Ví dụ điển hình stress gây bạc tóc
Hiện tượng tóc bị bạc trắng cả đầu sau một đêm từng được ghi nhận từ xa xưa cho tới bây giờ. Ví dụ như câu chuyện kể trong cuốn sách Talmud (một quyển sách cổ của người Do Thái) từ năm 83 trước Công nguyên. Một thanh niên 17 tuổi đã được bầu làm thủ lĩnh của người Do Thái, do quá lo lắng cho số phận của những người mà mình phải có trách nhiệm bảo vệ, đã bị bạc tóc thành một người khác hẳn.
Vị hoàng đế Ấn Độ Shah Jahan cũng bị bạc tóc trong một đêm sau khi Hoàng hậu qua đời và ông đã cho xây dựng đền thờ Taj Mahal để tưởng nhớ đến bà. Câu chuyện Ngũ Tử Tư bị vua Sở truy đuổi sau khi giết bố ông ta, chỉ sau một đêm suy nghĩ mà mái tóc đã bạc phơ, khiến ông đã trốn thoát thành công khỏi sự kiểm tra gắt gao của quân Sở một cách dễ dàng. Chuyện Tưởng Giới Thạch bị bắt, sau một đêm cũng bị bạc trắng đầu. Ở Việt Nam có câu chuyện về cụ Nguyễn Đức Thuận – một nhà cách mạng – bị địch bắt và thẩm vấn, cũng bị bạc tóc sau một đêm.
Những trường hợp tù nhân bạc đầu trước đêm bị hành quyết nổi tiếng như hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette với những lọn tóc óng ả biến thành màu trắng ma quái sau khi biết sáng hôm sau mình sẽ phải lên đoạn đầu đài. Hay như Năm Cam – trùm buôn bán ma túy bị kết án năm 2002 cũng bạc trắng đầu trước đêm bị hành quyết. Hoặc như trước đêm đi hành quyết Phạm Văn Hiếu, sinh năm 1988, quê ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục (Hà Nam), đã bị kết án tử hình về tội cướp tiệm vàng, bắt cóc con tin ở Bắc Giang, làm cho bé gái 21 tháng tuổi thiệt mạng cũng đã bị bạc gần hết mái tóc tuổi xanh vì bị lương tâm cắn rứt…
Đọc thêm: Tổng hợp các nguyên nhân gây bạc tóc sớm
Tại sao stress lại làm bạc tóc sớm?
Theo y học cổ truyền, ưu sầu kéo dài có thể làm cho can khí tích tụ lại và không thể tiết chế ra được, khí đọng huyết lưu dẫn đến các loại chất dinh dưỡng không được cung cấp đầy đủ và làm cho tóc bạc trắng.
Y học hiện đại cũng cho rằng, các yếu tố về tinh thần, suy nghĩ quá nhiều, stress cũng làm ảnh hưởng đến chức năng vận chuyển các chất dinh dưỡng để nuôi tóc. Tóc thường lấy màu sắc từ những tế bào sắc tố gọi là melanocytes. Những tế bào này thêm sắc tố vào nang tóc (nơi mà tóc mọc lên khỏi da đầu). Khi cơ thể lão hóa cũng đồng nghĩa với việc melanocytes già đi và chết dần. Đây cũng chính là nguyên nhân đã khiến cho các sắc tố melanin ở mỗi nang tóc bị suy giảm.
Các giai đoạn mà một sợi tóc bình thường sẽ trải qua bao gồm:
- Giai đoạn mọc (tên gọi là anagen), kéo dài khoảng từ 2-6 năm, các tế bào mầm tóc sẽ được thần kinh nội tiết điều khiển, biệt hóa phân thành các bộ phận của tóc và mọc dần ra ngoài da đầu. Có đến khoảng 85-95% tóc ở giai đoạn anagen.
- Giai đoạn ngưng (tên gọi là catagen), kéo dài khoảng 3 tuần, tóc sẽ ngưng phát triển, bắt đầu teo dần và tách khỏi nhú bì.
- Giai đoạn nghỉ/ chờ rụng (tên gọi là telogen), kéo dài khoảng 3 tháng, sợi tóc sẽ bị đẩy lên khỏi phình tóc, rụng đi và chuẩn bị khởi động cho một chu kỳ mọc tóc mới.
Xét theo mỗi một sợi tóc, 3 giai đoạn này diễn ra liên tục. Nhưng nếu xét cho cả mái đầu, các giai đoạn sẽ không xảy ra đồng thời giữa tất cả các sợi tóc (tức là ở cùng một thời điểm, có sợi đang ở giai đoạn mọc, có sợi tóc lại đang chuẩn bị rụng đi). Do đó, trong trường hợp sinh lý bình thường, số lượng tóc trên da đầu hầu như sẽ không thay đổi.
Theo như nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, stress là nguyên nhân chính làm tăng nồng độ hormone Adrenaline khiến cho tóc bị bạc sớm. Adrenaline là loại hoocmon được sản sinh trong não và tăng cao khi cơ thể bị rơi vào stress. Sự sản sinh ra adrenaline trước khi diễn ra stress sẽ giúp cơ thể tăng cường khả năng chịu đựng áp lực, căng thẳng hoặc thoát khỏi tình trạng này. Tuy nhiên, khi mà stress kéo dài, nồng độ adrenaline sẽ tăng cao và gây ra tác động ngược lại. Nồng độ hormone Adrenaline tăng sẽ là tác nhân làm tổn thương tế bào mầm tóc, khiến giai đoạn mọc (anagen) bị rút ngắn, giai đoạn chờ rụng (telogen) đến nhanh. Lúc này, tóc cũ đã rụng mà tóc mới thì chưa kịp mọc dẫn đến tóc thưa, yếu, và tóc bị bạc sớm.
Để kiểm chứng điều trên, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm tác động của adrenaline trên những con chuột thí nghiệm. Khi nồng độ adrenaline đưa vào cơ thể những con chuột này tăng lên, làm cho một yếu tố đáng chú ý là protein chống ung thư có tên gọi P53 bắt đầu giảm xuống. P53 có vai trò cực kỳ quan trọng, khi mà các DNA bị tổn thương, P53 sẽ có nhiệm vụ khắc phục các tổn thương này, tránh dẫn tới tình trạng bị lỗi gen gây ra ung thư. Tuy nhiên, khi P53 bắt đầu giảm đi, nguy cơ tổn thương gen sẽ gia tăng dẫn tới các biểu hiện như sắc tố màu tóc thay đổi, khiến tóc trở nên bạc nhanh chóng. Tình trạng này kéo dài thậm chí còn dẫn tới nguy cơ ung thư.
Nguyên nhân gây ra stress ở mỗi giới thường sẽ có sự khác nhau. Đối với nam giới, đó là áp lực khi mà phải chứng tỏ sự nghiệp, khi là trụ cột của gia đình, là bờ vai vững chắc cho những người phụ nữ thân yêu, có khi thậm chí là phải khó xử khi đứng giữa cuộc chiến mẹ chồng – nàng dâu… Trong khi đó, phụ nữ thường phải chịu áp lực ở những khía cạnh khác: chuyện chăm sóc con cái, các khoản chi tiêu, việc dung hòa 2 bên nội – ngoại, đặc biệt là họ còn dễ bị thay đổi tâm trạng mỗi lúc nội tiết tố thay đổi (lúc tới chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh nở…). Theo nghiên cứu, nam giới thường phải đối mặt với nhiều stress hơn là so với phụ nữ. Do đó, cũng không có gì lấy làm lạ khi tỷ lệ cánh mày râu bị bạc tóc sớm gấp 3 lần so với phái đẹp.
Cách cải thiện tình trạng tóc bạc sớm do stress
Để ngăn ngừa tóc bạc sớm do stress, việc giảm đến tối đa những căng thẳng không cần thiết là cực kỳ quan trọng. Một số mẹo sau đây sẽ giúp cho bạn thư giãn tinh thần, bỏ bớt những áp lực trong cuộc sống.
– Ngủ đủ 8 tiếng trên 1 ngày:
Thiếu ngủ có thể khiến cho tình trạng căng thẳng trở nên nặng nề hơn, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và cả tâm trạng. Nên tập thói quen mỗi ngày đi ngủ sớm, đều đặn và ngủ đủ 8 tiếng. Tránh dùng máy tính, điện thoại, ăn uống quá no trước khi đi ngủ. Thay vào đó, bạn có thể đọc thêm sách hoặc tắm nước ấm trước khi đi ngủ.
– Ăn uống đủ chất:
Ăn uống đầy đủ 3 bữa, phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất protein, vitamin và khoáng chất sẽ vừa giúp cơ thể được bổ sung năng lượng, làm giảm căng thẳng, vừa giúp cho thúc đẩy sự phát triển của tế bào mầm tóc. Tránh ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ… vì chúng sẽ làm cho tóc sớm bị bạc hơn.
Đọc thêm: Tóc bạc sớm do thiếu những chất gì?
– Thường xuyên tập thể dục thể thao:
Lựa chọn những bài tập vừa sức, hợp với sở thích (như đi bộ, tập gym,cầu lông, bơi lội…) có tác dụng hiệu quả để xoa dịu tinh thần. Các nghiên cứu cho rằng khi tập thể dục, cơ thể sẽ giải phóng ra hormone endorphin (còn được gọi là hormone hạnh phúc) giúp cho tinh thần được thư giãn, tâm trạng được thư thái hơn.
– Suy nghĩ tích cực:
Khi đối diện với những căng thẳng, áp lực, bạn không nên suy nghĩ mọi thứ đều theo chiều hướng tiêu cực, không có lối thoát. Thay vào đó, bạn nên tiếp nhận sự việc bằng một thái độ tích cực và lạc quan sẽ giúp cho bạn “đối phó” với stress một cách hiệu quả. Theo các nhà tâm lý học, những suy nghĩ tích cực sẽ làm giảm ảnh hưởng của những hormone căng thẳng đối với cơ thể và giúp cho cơ thể tận dụng được khả năng tự chữa lành vốn có.
Khi đã khắc phục được căn nguyên các loại stress, tình trạng bạc tóc sớm sẽ chậm lại. Tuy nhiên, những biện pháp trên khó có thể giúp cho bạn lấy lại được mái tóc của ngày xưa mà hiệu quả gần như không đáng kể đối với những trường hợp bạc tóc sớm do các nguyên nhân khác. Do đó, ngoài những cách trên, các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng kèm thêm các sản phẩm viên uống từ thiên nhiên để khắc phục tình trạng tóc bạc sớm, lấy lại màu tóc của ngày trước.
Đọc thêm: Thuốc trị tóc bạc sớm là loại nào?
Qua bài viết trên, hi vọng có thể giúp được cho các bạn thông tin về “suy nghĩ nhiều, căng thẳng, stress có thể gây bạc tóc”, đồng thời nắm được các giải pháp giúp cải thiện và ngăn ngừa hiện tượng tóc bạc sớm.