Từ tuổi trung niên trở đi, có tóc bạc là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, ở vào độ tuổi thanh niên ngày nay, rất nhiều người đã có tóc bạc sớm. Vậy bệnh tóc bạc sớm ở thanh niên có đáng lo ngại? Cách điều trị như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn nhé.
Mục lục
Cấu tạo sinh học mái tóc
Nguyên nhân gây ra chứng tóc bạc sớm có rất nhiều, nhưng dù cho là với nguyên nhân nào thì tình trạng tóc bạc sớm vẫn là một dấu hiệu cảnh báo về vấn đề suy yếu của sức khỏe. Trước khi tìm hiểu rõ những nguyên nhân gây ra tình trạng này thì chúng ta nên hiểu rõ về cấu tạo cơ bản của tóc.
Theo mặt sinh học, tóc, lông và râu đều là một bộ phận nằm trên cơ thể con người, tuy chúng có thể có kích thước khác nhau nhưng xét về cơ bản thì chúng có chung một cấu tạo sinh học. Thành phần chính đều là Keratin, hay còn được gọi là chất sừng. Keratin cũng là thành phần chính cấu tạo nên móng tay, móng chân và lớp biểu bì da của chúng ta.
Tóc đóng vai trò như một bộ phận bảo vệ phần da đầu, đồng thời nó cũng tham gia vào quá trình bài tiết mồ hôi, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể. Tuổi thọ trung bình của 1 sợi tóc khoảng từ 2 – 6 năm, ở trong thời gian này, rất nhiều sợi tóc sẽ bị rụng đi và các sợi tóc khác sẽ mọc lên thay thế, do đó bạn sẽ luôn nhận thấy có tóc ở trên đầu của mình mà không bị rụng hết.
Khi quan sát cấu tạo một sợi tóc dưới kính hiển vi người ta có thể thấy được cấu tạo của một sợi tóc bao gồm 3 lớp: lớp biểu bì ở bên ngoài (cutin), lớp giữa (cortex) và lớp tủy (medulla). Trong đó chính lớp giữa (cortex) là lớp có chứa sắc tố – chất tạo nên màu của sợi tóc, hay còn gọi là melanin.
Có thể nhận ra rằng, quá trình mất đi sắc tố melanin là phần lão hóa tự nhiên xảy ra ở cơ thể con người. Tuy nhiên, trường hợp có những người không bị lão hóa về cơ thể nhưng quá trình sản sinh ra sắc tố melanin lại bị rối loạn cũng bị dẫn đến hiện tượng bạc tóc. Những người trẻ bị xuất hiện tình trạng tóc bạc sớm là do quá trình sản sinh ra sắc tố melanin trong cơ thể gặp vấn đề, hoặc là do ít sắc tố hoặc là hoàn toàn không có sắc tố.
Nguyên nhân gây tóc bạc sớm ở thanh niên
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bạc tóc sớm, nhưng trong đó cũng có những nguyên nhân mà rất nhiều người mắc phải. Đôi khi đó là do những thói quen sinh hoạt thông thường hằng ngày nhưng vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe mà bạn không nhận ra.
Chế độ ăn uống mất cân đối dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng
Chất dinh dưỡng trong thực phẩm là một phần quan trọng trong việc nuôi sống cơ thể. Khi ăn uống không hợp lý, mất cân đối sẽ dẫn đến việc thiếu hụt những loại dưỡng chất cần thiết, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nói chung. Không ít người trẻ có lối sống vội vàng, coi thường sức khỏe bản thân, nên đã có những bữa ăn vội, nghèo nàn, hay thậm chí là ăn kiêng chỉ vì mục đích giảm cân, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sắc đẹp.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, vitamin B12 và vitamin E là hai loại thành phần quan trọng ảnh hưởng đến quy trình sản xuất ra sắc tố melanin của tóc. Việc thiếu hụt các loại vitamin này đều dẫn đến hiện tượng tóc bạc sớm.
Stress, áp lực tinh thần, suy nghĩ quá nhiều
Con người khi ở trạng thái lo âu, nghĩ ngợi quá nhiều, hay thường xuyên bị stress cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên hiện tượng tóc bạc sớm. Không những thế, khi tinh thần không thoải mái sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe như bệnh mất ngủ, chứng trầm cảm, bị suy yếu về thể lực lẫn tinh thần.
Những áp lực tới từ cuộc sống, công việc, hay hôn nhân, gia đình đều là những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý rối loạn về thần kinh. Xét về lâu dài, tình trạng mệt mỏi và căng thẳng này sẽ làm cho thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên đều bị ức chế. Khi đó, cơ thể sản sinh ra nhiều loại hooc môn ví dụ như catecholamin – một loại chất làm co mạch máu, gây ức chế tuần hoàn máu dẫn đến thiếu oxi.
Đây là nguyên nhân gây gián đoạn quá trình chuyển hóa và trao đổi chất, các tế bào nhanh chóng bị lão hóa vì thiếu dưỡng chất, bao gồm cả các tế bào nang lông. Khi các tế bào nang lông bị suy yếu, chúng sẽ giảm hoặc ngừng hẳn quá trình sản xuất ra sắc tố melanin làm cho các sợi tóc bị mất màu, dẫn đến hiện tượng tóc bạc sớm.
Có rất nhiều trường hợp được ghi nhận trong lịch sử, con người có thể bị tóc bạc trắng chỉ sau một đêm khi suy nghĩ quá nhiều. Sự già nua nhanh chóng của cơ thể là do thần kinh bị ức chế quá nặng nề, làm cho các tế bào mới không kịp tái tạo trong khi các tế bào cũ nhanh chóng suy yếu và chết đi.
Trong trường hợp này thì cách để khắc phục tốt nhất là phải giữ cho tình thần được thư thái và thư giãn khi cần thiết.
Có thể bạn quan tâm: Suy nghĩ nhiều, stress làm cho tóc bị bạc sớm
Do gen di truyền gây nên
Một trong số những nguyên nhân gây nên tình trạng bạc tóc sớm là do yếu tố di truyền. Đây là nguyên nhân duy nhất mà bạn không thể kiểm soát được. Các nhà khoa học đã tìm ra được loại gen di truyền gây ra chứng tóc bạc sớm ở người, đó là gen có tên là IRF4. Theo đó, gen IRF4 là một loại gen chi phối việc sản xuất melanin nhằm tạo ra những đặc điểm riêng biệt về màu tóc, màu mắt, màu da ở người.
Những người có ít nhất một biến thể gen IRF4 trong người thì thường sẽ có xu hướng bị tóc bạc sớm và nhanh hơn những người khác. Nếu có người thân trong gia đình như bố, mẹ, hay ông bà, đã có người bị bạc tóc sớm thì khả năng cao những người con cũng sẽ bị tóc bạc sớm. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp cá biệt, người có gen IRF4 nhưng lại không bị tóc bạc sớm, đây là do cơ địa của từng người quyết định.
Vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết cực kỳ quan trọng, đóng vai trò điều hòa nội tiết tố trong cơ thể. Nếu tuyến giáp của bạn gặp vấn đề, dù cho là cường giáp – tình trạng tăng tiết hooc môn quá mức – hay nhược giáp – tình trạng suy yếu, tiết hooc môn không đủ – thì đều có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Khi cơ thể gặp vấn đề về tuyến giáp, các triệu chứng sẽ biểu hiện rõ ràng nhất trên tóc và da của bạn. Khi đó, bạn sẽ nhận thấy các dấu hiệu như: bị gãy rụng, giòn, chẻ ngọn và khô xơ, bao gồm cả hiện tượng bạc tóc.
Hút thuốc lá gây nên tóc bạc sớm
Trong thuốc lá có Nicotine, đây được xem là một liều thuốc độc đối với sức khỏe con người. Mỗi một điếu thuốc hút có khoảng 1 – 2 mg Nicotine, với liều lượng hút từ 4 – 5 điếu thuốc một ngày là bạn đã “nạp” một lượng Nicotine kha khá vào cơ thể của mình.
Đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là nam giới, nhiều người nghiện hút thuốc lá từ sớm. Đây là lí do làm cho những người trẻ bị lão hóa kèm theo đó là hiện tượng bạc tóc sớm. Với những người đã bị bạc tóc khi sử dụng thuốc lá sẽ bị bạc nhanh hơn.
Bạc tóc sớm ở thanh niên có nguy hiểm gì không?
Tóc bị bạc sớm ở thanh niên xét về cơ bản nó sẽ không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, bạc tóc sớm xảy ra ở nữ giới hay xảy ra ở trẻ em, thì nó lại làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của họ. Bởi vì nó làm mất thẩm mỹ, khiến nhiều người mất tự tin và ngại giao tiếp trong cuộc sống.
Sẽ mất một khoảng thời gian để bạn có thể lấy lại được “tuổi thanh xuân” của mình. Điều đó dựa trên những nguyên nhân gây ra tình trạng tóc bạc sớm, hay khi xác định cụ thể tình trạng sức khỏe của bản thân mình, đồng thời khắc phục và hạn chế những nguyên nhân gây nên bệnh. Quan trọng nhất là bạn cần phải bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng cần thiết cho mái tóc của mình.
Tóc bạc sớm – làm sao để khắc phục?
Sử dụng hà thủ ô làm cho tóc đen bóng mượt
Hà thủ ô vị thuốc được sử dụng nhiều trong Y học cổ truyền dùng để chữa bệnh tóc bạc sớm, giúp bồi bổ khí huyết, kéo dài tuổi thọ. Có nhiều bài thuốc dân gian sử dụng hà thủ ô giúp để làm đen tóc, giúp tóc mọc ra nhiều hơn.
Bạn có thể sử dụng hà thủ ô bằng cách đem nấu với nước sôi, cho vào một ít táo mèo và uống như nước trà mỗi ngày. Tuy nhiên, do hà thủ ô có vị đắng, nhiều người cảm thấy rất khó chịu khi uống trực tiếp. Vì thế nhiều người thích bổ sung hà thủ ô bằng thực phẩm chức năng dưới dạng các viên thuốc nén.
Bạn có thể quan tâm: cách chữa bạc tóc sớm bằng hà thủ ô
Sử dụng mè đen chữa tóc bạc sớm
Mè đen hay (vừng đen), là một loại hạt rất giàu chất dinh dưỡng. Mè đen có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, đối với những người không bị bệnh tóc bạc sớm cũng nên ăn mè đen hằng ngày để được mạnh khỏe thêm.
Trong mè đen rất giàu loại vitamin E (nhiều nhất trong các loại thực phẩm), đồng thời còn có cả vitamin B1, B2 cùng với các khoáng chất khác như canxi, phốt pho, kẽm, sắt cùng protein… Có thể thấy, các loại thành phần dinh dưỡng có trong mè đen là những thành phần dinh dưỡng rất cần thiết cho một mái tóc đen chắc khỏe.
Mè đen rất dễ dàng để sử dụng, bạn có thể đem giã nhỏ và hòa với nước uống hoặc có thể trộn chung với cơm để ăn. Ngoài ra, mè đen còn được đem sử dụng kết hợp với hà thủ ô, mật ong để tăng cường hiệu quả chữa trị bạc tóc sớm.
Sử dụng bồ kết làm đen tóc
Từ lâu, Bồ kết đã được phụ nữ Việt Nam xem như là một bí quyết làm đẹp truyền thống. Người xưa đã sớm nhận ra các tác dụng của bồ kết đối với mái tóc, nên bồ kết được dùng để làm dầu gội đầu và tinh chất dưỡng tóc. Ngày nay, bồ kết là thành phần phổ biến trong nhiều loại dầu gội dưỡng tóc, được nhiều người dùng ưa chuộng, đặc biệt là những người có mái tóc thưa, bạc màu.
Cách dùng bồ kết truyền thống là đem loại quả này nướng trên lửa cho đến khi dậy mùi thơm, sau đó giã nhuyễn bồ kết và nấu cùng với nước. Để tạo mùi hương cho dầu gội bạn có thể thêm vào một ít lá chanh và sả. Mỗi ngày nên dùng nước nấu bồ kết để gội đầu thay cho dầu gội thông thường, sử dụng thường xuyên để mái tóc của bạn luôn chắc khỏe và đậm màu.
Bạn đọc có thể quan tâm: Những loại thực phẩm làm đen tóc trở lại.