Mái tóc hư tổn là tình trạng mà không ít chị em đang gặp phải. Các tác nhân hằng ngày như nắng, gió, khói, bụi, hóa chất…có thể khiến mái tóc trở nên khô xơ, gãy rụng và thiếu sức sống. Khi thấy mái tóc của mình có dấu hiệu bị hư tổn, nhiều chị em thường băn khoăn có nên cắt tóc hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp làm rõ thắc mắc này.
Mục lục
Tại sao tóc có thể bị hư tổn?
Làm tóc thường xuyên với hóa chất và nhiệt độ cao
Từ xa xưa, phụ nữ Việt Nam đã rất chăm chút cho mái tóc bởi một mái tóc dài thướt tha, đen mượt mang lại vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại, đặc trưng của phụ nữ á đông. Tuy nhiên, thời đại ngày nay, với sự giao lưu văn hóa đa quốc gia, chị em cũng nhanh chóng bắt kịp các xu hướng mới nhất để làm đẹp cho mái tóc. Các kỹ thuật làm tóc như nhuộm, uốn, duỗi…thường xuyên được áp dụng để tạo nên những kiểu tóc thời thượng nhất. Từ đó, mái tóc cũng ít nhiều bị tác động bởi các yếu tố như nhiệt độ, hóa chất…và dần bị hư tổn.
Bản chất lớp biểu bì của sợi tóc được cấu tạo từ thành phần protein có thể bị thay đổi cấu trúc khi gặp nhiệt độ quá cao. Đồng thời, bên trong lớp biểu bì có cấu trúc xốp lưu trữ độ ẩm cho mái tóc. Dưới ảnh hưởng của hóa chất tẩy, uốn, nhuộm, ép…và các kỹ thuật là, sấy…, sợi tóc sẽ nhanh chóng bị mất đi độ ẩm, trở nên khô xơ hơn. Lớp biểu bì bị tổn thương khiến sợi tóc sần sùi, mảnh và dễ bị gãy rụng. Vì vậy, bạn nữ cần lưu ý khoảng cách giữa các lần làm tóc và tạo kiểu bằng hóa chất và nhiệt độ cao, không nên thực hiện quá thường xuyên.
Các tác nhân từ môi trường
Mái tóc có thể mất dần vẻ mượt mà, bóng bẩy và trở nên xơ rối, bông xù, chẻ ngọn…nếu tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, gió và khói bụi.
Bạn có thể áp dụng một số biện pháp bảo vệ cho mái tóc khỏi bị hư tổn bởi các tác nhân kể trên bằng cách: thường xuyên đội mũ, khăn, áo chống nắng…tránh tóc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là những ngày nắng gay gắt.
Có một lưu ý nhỏ cho chị em là khi mới gội đầu xong, nên sấy tóc khô trước khi đi ra ngoài bên ngoài nhiều gió và khói bụi. Việc này khiến tóc bớt bị xơ xác và nhanh bết dính bởi bụi bẩn.
Thành phần clo và muối trong nước bể bơi có thể làm tóc nhanh bị khô cứng, dễ gãy. Chị em nên bôi một chút tinh dầu lên tóc, sau đó đội mũ bơi trước khi xuống nước. Chú ý gội đầu thật sạch với nước ngọt sau khi bơi.
Nội tiết tố và vấn đề dinh dưỡng
Khi xảy ra rối loạn nội tiết tố nữ hay suy giảm hormone estrogen thường kéo theo hàng loạt các vấn đề với phụ nữ. Tóc hư tổn, khô xơ và gãy rụng là một trong những hậu quả của việc suy giảm hormone nữ.
Ngoài ra, không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho mái tóc cũng là một nguyên nhân dẫn đến sợi tóc yếu ớt, mái tóc kém sức sống.
Dấu hiệu nhận biết tóc hư tổn
Tóc chẻ ngọn
Đây là dấu hiệu rõ ràng của tóc hư tổn, phần ngọn tóc bị chẽ ra thành 1 hoặc nhiều sợi tóc mảnh hơn, sờ vào mái tóc cảm giác xơ xác, thiếu độ ẩm. Tóc chẻ ngọn thường không thể hồi phục về trạng thái ban đầu mà chỉ có thể cắt tỉa phần tóc chẻ ngọn đi và bắt đầu quy trình phục hồi cho tóc.
Tóc khô và xoăn, bông xốp
Tác động của các yếu tố môi trường hoặc tạo kiểu tóc liên tục với nhiệt độ cao làm cho phần keo kết dính và giữ ẩm giữa các lớp keratin ở biểu bì tóc bị mất đi. Bạn sẽ thấy tóc mình ngày càng trở nên khô, bông xốp và không còn thẳng mượt.
Tóc gãy rụng, kém đàn hồi
Tóc gãy rụng cũng là dấu hiệu cơ bản khi tóc đang trong trạng thái bị hư tổn. Tóc gãy rụng nhiều khi chải đầu và gội đầu. Khi bạn cầm 1 sợi tóc kéo dãn nhẹ rồi thả ra sẽ thấy sợi tóc bị xoăn lại, kém đàn hồi. Lúc này mái tóc của bạn đang rất cần được chăm sóc và phục hồi.
Tóc mọc chậm hơn
Bạn có thể quan sát thấy tóc mọc chậm hơn hoặc mọc không đều tại các vị trí khác nhau. Điều cần làm là sử dụng các biện pháp để làm thông thoáng nang tóc ở da đầu và cung cấp đủ chất dinh dưỡng để nuôi tóc.
Tóc hư tổn có nên cắt?
Cắt tóc là một biện pháp nhiều chị em sử dụng khi mái tóc có dấu hiệu bị hư tổn. Tuy nhiên, chúng ta có thể cân nhắc việc nên cắt tóc hay không dựa vào mức độ tổn thương mà mái tóc đang gặp phải.
Đối với phái đẹp, cắt tóc là một bước tạo kiểu để mang lại diện mạo mới cho mái tóc. Có chị em thích cắt tóc ngắn, có người lại thích mái tóc dài dịu dàng tùy vào gương mặt và cá tính của từng người.
Cắt tóc có thể được cân nhắc là một biện pháp để giảm mức độ hư tổn cho mái tóc và hỗ trợ việc phục hồi hư tổn.
Vì sao nên cắt tóc hư tổn?
Khi mái tóc ở trong tình trạng hư tổn nặng nề, biểu hiện như tóc cháy, tóc nát, xơ xác và chẻ ngọn. Việc áp dụng các biện pháp để phục hồi hư tổn cho những mái tóc này thường rất mất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, hiệu quả phục hồi thường không cao. Vì vậy, cắt bỏ phần tóc hư tổn sau đó mới sử dụng các liệu trình phục hồi tóc là một lựa chọn sáng suốt.
Cắt tỉa tóc thường xuyên giúp tóc không bị chẻ ngọn, bạn sẽ cảm thấy mái tóc mềm mượt, nhanh mọc dài và dày hơn. Thời gian phù hợp giữa 2 lần cắt tỉa tóc thường là 3-4 tháng tùy vào tốc độ dài ra của tóc và nhu cầu tạo kiểu, làm tóc của từng chị em.
Cắt tóc ngắn cũng là một lựa chọn phù hợp với tình trạng tóc đang bị hư tổn nặng. Sợi tóc ngắn sẽ hấp thu đầy đủ dưỡng chất cần thiết và phân bổ đều từ chân tóc đến ngọn tóc, giúp tóc chắc khỏe và nhanh phục hồi khỏi hư tổn hơn.
Có thể không cắt tóc khi tóc có dấu hiệu hư tổn không?
Đối với mái tóc mới chỉ có dấu hiệu hư tổn nhẹ như sờ vào cảm thấy thô ráp, nhìn bề ngoài mái tóc kém bóng bẩy, suôn mượt…Trong trường hợp bạn nữ vẫn muốn duy trì một mái tóc dài hoặc không muốn cắt bỏ đi phần tóc nào, chúng ta có thể cân nhắc áp dụng các biện pháp phục hồi trước tiên như hấp dưỡng tóc, dùng dầu gội xả chuyên biệt để dưỡng tóc hoặc tới salon để thực hiện kỹ thuật phục hồi tóc chuyên sâu.
Một số phương pháp chăm sóc tóc tại nhà để ngăn ngừa và phục hồi tóc hư tổn
Tinh dầu dưỡng tóc
Một số loại tinh dầu được cho là cứu tinh cho tóc hư tổn đó là dầu hoa trà, dầu argan, dầu hạnh nhân, dầu dừa, dầu olive…Hợp chất silicon từ các loại tinh dầu này bao bọc sợi tóc, có tác dụng bảo vệ mái tóc khỏi yếu tố nhiệt độ, ánh nắng…Các hợp chất này cũng góp phần liên kết lại lớp biểu bì giúp hồi phục tóc từ sâu bên trong.
Tinh dầu thường gây bết dính cho tóc nên chị em lưu ý, chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ vừa đủ. Có thể ủ tóc với tinh dầu trước khi gội đầu hoặc pha loãng tinh dầu rồi xịt lên mái tóc.
Mặt nạ dưỡng ẩm cho tóc
Cấp ẩm cho tóc là biện pháp hàng đầu để giải quyết vấn đề tóc hư tổn. Ngoài các sản phẩm bổ trợ có bán trên thị trường như dầu hấp tóc, dầu gội và dầu xả có đặc tính giữ ẩm…bạn có thể tự chế các loại mặt nạ cho tóc từ những nguyên liệu thiên nhiên như bơ, chuối, mật ong…Chỉ cần kiên trì thực hiện việc dưỡng ẩm sâu cho mái tóc, bạn sẽ thấy được hiệu quả phục hồi không ngờ.
Gội đầu đúng cách
Các chuyên gia về tóc khuyên bạn không nên gội đầu hàng ngày, việc này có thể khiến da đầu bị khô và tóc mất đi độ ẩm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quá lâu mới gội đầu, nên thực hiện gội đầu 3-4 lần/tuần là hợp lý.
Khi gội đầu xong, bạn nên sử dụng dầu xả cho tóc suôn mềm, giảm xơ rối. Có một lưu ý nhỏ khi sử dụng dầu xả, bạn nên bôi kem cách xa da đầu khoảng 2 đốt ngón tay để mái tóc không nhanh bị bết dính.
Nhiệt độ thích hợp cho mái tóc
Nhiệt độ quá cao sẽ gây hư tổn cho mái tóc như cháy tóc, khô xơ, dễ gãy rụng…Nhưng nhiệt độ vừa đủ lại có khả năng kích thích tóc hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn.
Điều này cho thấy rằng, khi thực hiện các kỹ thuật làm tóc có sử dụng nhiệt độ cao, cần chắc chắn rằng tóc bạn đang thực sự khỏe mạnh, có đủ độ ẩm cần thiết để ngăn ngừa những tổn thương cho mái tóc.
Sử dụng nhiệt lượng vừa đủ để dưỡng tóc có thể áp dụng với biện pháp chăm sóc tóc hấp nhiệt. Đây là cách kết hợp giữa ủ dầu dưỡng tóc và nhiệt độ thích hợp để tóc hấp thu tối đa chất dinh dưỡng. Bạn có thể cảm nhận được mái tóc mềm mượt, bóng khỏe ngay sau khi thực hiện phương pháp chăm sóc tóc này.
Như vậy, ngoài việc cắt tỉa tóc để giảm mức độ hư tổn, chúng ta cũng nên áp dụng các mẹo nhỏ ở trên để chăm sóc tóc toàn diện, giúp phục hồi tóc hư tổn từ sâu bên trong. Chị em nên tìm hiểu và thực hiện để có được mái tóc khỏe đẹp, bóng mượt, đầy sức sống.