Khi bị sốt, chúng ta thường có biểu hiện rét run, ớn lạnh. Chính vì thế, nhiều người cho rằng cần phải kiêng gội đầu để tránh bị nhiễm hàn khí. Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Bị sốt có nên gội đầu hay không?”, mời bạn đọc chi tiết nội dung bên dưới.
Mục lục
Tìm hiểu nhanh về sốt
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại các yếu tố gây hại. Khi ở trạng thái sốt, nhiệt độ cơ thể cao hơn ngưỡng 37 độ C. Ngoài việc tăng thân nhiệt, các triệu chứng sốt thường gặp như là đau đầu, mệt mỏi, run lạnh tay chân, niêm mạc khô, khát nước, khó tiêu hóa, mất khẩu vị…
Bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị sốt. Nguyên nhân phổ biến gây ra sốt thường là do virus, vi khuẩn, tiêm vắc xin, các bệnh truyền nhiễm (cúm, HIV, sốt rét…), ung thư, rối loạn tiêu hóa, bệnh tự miễn…
Trong hầu hết các trường hợp, sốt nhẹ chỉ kéo dài vài ngày thường sẽ hết nhanh sau khi uống thuốc hạ sốt và nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, nếu sốt cao hơn 3 ngày, đặc biệt đi kèm với triệu chứng nghiêm trọng (phát ban, bầm tím, đau thắt ngực, đau bụng, co giật, nôn nhiều…) thì cần được khám và điều trị kịp thời.
Bị sốt có nên gội đầu không?
Để biết có nên gội đầu khi bị sốt hay không cần cân nhắc dựa vào cảm giác của bạn và tình trạng sức khỏe nói chung.
Nếu như cơn sốt nhẹ, bạn cảm thấy không khó chịu hoặc mệt mỏi thì hoàn toàn có thể gội đầu hoặc tắm như bình thường.
Nếu bạn bị sốt rất cao, cơ thể rất mệt mỏi, đau đầu hoặc bị loại sốt đặc biệt như sốt xuất huyết hoặc sốt siêu vi thì nên hạn chế việc tắm gội. Bởi sẽ làm cho thành mạch bị giãn ra có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. Trong trường hợp này, tốt nhất là bạn nên dùng khăn ấm lau cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, sử dụng dầu gội khô giúp cho tóc đỡ bết dính.
Những điều cần lưu ý khi gội đầu nếu bị sốt
Nhiệt độ nước phù hợp
Nếu bạn muốn gội đầu thì nên dùng nước ấm (nhiệt độ khoảng 38 – 40 độ C). Nước ấm sẽ giúp làm sạch da đầu và tóc một cách hiệu quả hơn, đồng thời không gây kích ứng hoặc làm khô da đầu.
Lưu ý:
- Không dùng nước nóng vì có có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn.
- Không dùng nước lạnh, vì nhiệt độ thấp của nước sẽ khiến cảm giác run rẩy tăng lên, nguy hiểm hơn có thể làm co cứng mạch máu, gây thiếu máu não, bất tỉnh hoặc tử vong.
Thời gian gội đầu
Khi gội đầu, chúng ta không nên xả hoặc ngâm tóc với nước quá lâu, đặc biệt là những người có mái tóc dài và dày, việc gội đầu quá lâu có thể tổn thêm nhiều thời gian và năng lượng, gây mất nhiệt nhanh chóng.
Thời gian gội đầu phù hợp không quá 5 phút, thời gian tắm cũng chỉ nên kéo dài trong 7 – 10 phút.
Cách gội đầu
Nói chung, khi bị ốm sốt phải gội đầu hết sức nhẹ nhàng và thực hiện nhanh chóng. Bạn nên xả nước từ từ để da đầu làm quen với nhiệt độ nước, tránh dội nước hay xả mạnh lên da đầu.
Ngoài ra, trong khi gội đầu có thể massage để cảm thấy dễ chịu và giảm căng thẳng, chú ý massage nhẹ nhàng, không day bấm mạnh. Tránh dùng móng tay cào gãi da đầu hay tác động lực mạnh lên vùng da đầu.
Kiêng tránh sau khi gội đầu
Sau khi gội đầu xong thì không nên ngồi ngay dưới gió điều hòa hoặc ra ngoài trời có nhiều gió.
Bạn cần quấn khăn để thấm hết nước trong tóc, sau đó dùng máy sấy làm khô tóc, giữ ấm cho cơ thể để không bị nhiễm lạnh.
Không đi ngủ hoặc ra ngoài gió khi tóc còn ẩm ướt.
Khi bị sốt, da dầu hết sức nhạy cảm, do đó không nên búi buộc tóc quá chặt, vì có thể gây đau đầu và rụng tóc nhiều hơn.
Nên làm gì khi bị sốt?
Bên cạnh những chú ý trong việc gội đầu hay vệ sinh cá nhân, người bị sốt cũng cần biết những điều sau đây để hạ sốt nhanh chóng:
Uống đủ nước:
Khi bị sốt, cơ thể sẽ mất nước nhanh chóng do mồ hôi bài tiết nhiều hơn để làm mát cơ thể. Bạn có thể cảm thấy nhanh khát, da và niêm mạc mắt, mũi miệng khô hơn. Do đó, cần thường xuyên bù nước để hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp giảm cảm giác khó chịu, mệt mỏi.
Cách đơn giản để theo dõi nhu cầu bổ sung nước của cơ thể đó là quan sát màu của nước tiểu. Nếu như nước tiểu vàng đậm, hơi đục thì có thể bạn đang thiếu nước và cần uống nhiều hơn. Ngoài nước lọc, bạn có thể bổ sung thêm dung dịch oresol hoặc nước trái cây để cung cấp thêm vitamin, khoáng chất tốt cho cơ thể.
Nghỉ ngơi:
Người bị sốt cần tránh vận động mạnh, chơi các bộ môn thể thao ra nhiều mồ hôi, vì nó làm tăng nhiệt độ khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Khi bị sốt, nên nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể nhanh phục hồi.
Tiếp xúc với nhiệt độ cao:
Tránh tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao, chẳng hạn như nắng nóng, sauna hay bồn nước nóng. Điều này có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và gây khó chịu.
Ăn uống:
Khi bị sốt, có thể bạn không có sự ngon miệng và cảm thấy khó tiêu. Tránh ăn các loại thực phẩm nặng nề, khó tiêu và có nhiều chất béo. Thay vào đó, tập trung vào việc cung cấp nhiều nước và chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau xanh, trái cây tươi, nước lọc và nước ép.
Tránh uống rượu và hút thuốc khi bạn đang sốt, vì chúng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng triệu chứng sốt.
Stress và căng thẳng:
Stress có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, làm cho cơ thể khó khăn trong việc chiến đấu với bệnh tật và phục hồi nhanh chóng. Stress có thể làm tăng tình trạng lo âu, giảm sự thư giãn và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây ra sự mệt mỏi và suy nhược.
Do đó, người bị sốt nên nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, tránh các hoạt động, công việc gây căng thẳng.
Tránh tiếp xúc với người khác:
Khi bị sốt, tránh tiếp xúc quá gần với những người khác để tránh lây nhiễm hoặc làm lây nhiễm bệnh cho người khác. Hãy giữ khoảng cách an toàn và đảm bảo vệ sinh cá nhân tốt, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên.
Uống thuốc hạ sốt:
Sử dụng các loại thuốc hạ sốt như paracetamol (acetaminophen) hoặc ibuprofen theo hướng dẫn sử dụng. Hãy tuân thủ liều lượng và chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn trên đóng gói.
Nếu sốt kéo dài, có triệu chứng nặng hơn hoặc không giảm sau khi sử dụng thuốc, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.