Mái tóc bóng nhờn, ép chặt vào da đầu khiến bạn không thể nào chịu nổi, nhất là vào những ngày hè nóng nực. Có thể bạn đã thử nhiều loại sản phẩm khác nhau để trị tóc bết dính nhưng không mấy hiệu quả. Vậy thì hãy thử áp dụng 4 mẹo trị tóc dầu bết dính bằng muối sau đây nhé.
Mục lục
Hướng dẫn cách trị tóc dầu bết dính bằng muối
Dưới đây là 4 cách trị tóc bết bằng muối mà Duongtoc.vn sưu tầm được. Những cách này rất dễ áp dụng mà không đòi hỏi phải thay đổi nhiều trong thói quen gội đầu. Hãy thử ngay nhé.
Gội đầu với nước muối
Chuẩn bị:
- 1 nắm muối
- 1 quả chanh
Thực hiện:
- Vắt nước cốt chanh và hòa tan muối vào chậu nước gội đầu.
- Dùng nước này để gội đầu với dầu gội và dầu xả bình thường.
- Thực hiện 2-3 lần/tuần.
Gội đầu với nước trà xanh và muối
Chuẩn bị:
- 1 nắm lá trà xanh
- 1 thìa muối trắng
Thực hiện:
- Rửa sạch trà xanh với vài lần nước sau đó cho vào nồi với 3-4 lít nước và 1 thìa muối.
- Sau khi nước trong nồi đun sôi thì vặn lửa nhỏ chừng 5 phút rồi tắt bếp.
- Đổ nước ra chậu để nguôi và sử dụng nước này để gội đầu.
- Sau đó, thoa dầu gội, dầu xả như bình thường.
- Làm sạch tóc với nước mát.
Massage da đầu với muối hồng
Chuẩn bị:
- 2 thìa muối hồng
Thực hiện:
- Làm ướt tóc với nước ấm.
- Sau đó, massage da đầu nhẹ nhàng với các hạt muối hồng trong khoảng 5 phút.
- Bước tiếp theo làm sạch tóc rồi gội đầu như bình thường.
Massage da đầu với hỗn hợp muối ăn và baking soda
Chuẩn bị:
- 1 thìa muối ăn hạt mịn
- 1 thìa baking soda
Thực hiện:
- Trộn 2 nguyên liệu này trong bát nhỏ, cho thêm một chút nước để tạo thành hỗn hợp sệt.
- Làm ướt tóc với nước ấm, sau đó massage da đầu với hỗn hợp.
- Sử dụng dầu gội, dầu xả bình thường.
- Làm sạch tóc với nước mát.
Trị bết tóc bằng muối có thực sự hiệu quả?
Muối có khả năng hấp thụ dầu và bụi bẩn trên tóc, giúp làm sạch tóc dầu và tạo độ bồng bềnh tự nhiên cho tóc.
Bên cạnh đó, muối có tính kháng khuẩn nhẹ nên có thể giúp kiểm soát một số vi khuẩn gây hại trên da đầu. Một số nghiên cứu còn cho thấy gội đầu với muối giúp cải thiện các triệu chứng chàm và vảy nến trên da đầu.
Tuy vậy, muối không phải là biện pháp hiệu quả để trị tận gốc tình trạng gàu hay các bệnh viêm da đầu, vì nó chỉ giúp giảm triệu chứng tức thời mà không loại bỏ được căn nguyên.
Nói tóm lại, gội đầu hoặc massage da đầu với muối giúp cải thiện tình trạng tóc bết tại nhà khá hiệu quả nhưng chúng ta không nên lạm dụng. Nếu như thường xuyên gội đầu với muối, tóc có thể bị khô, xoăn xù và mất đi độ bóng tự nhiên. Đặc biệt, những người có tóc nhuộm thì không nên gội đầu với muối vì có thể làm phai màu tóc nhanh hơn.
Tóc nhanh bết là do tuyến bã nhờn bài tiết quá nhiều dầu thừa. Vấn đề này có thể do cơ địa bẩm sinh hoặc đến từ chế độ ăn uống, các thói quen chăm sóc tóc. Do đó, nguyên tắc cốt yếu để hạn chế biết tóc là tập trung vào nhiệm vụ cân bằng tiết dầu trên da đầu.
Lưu ý khi chăm sóc tóc để hạn chế tình trạng bết dính
- Gội đầu quá thường xuyên, cào gãi da đầu quá mạnh trong lúc gội.
- Sử dụng dầu gội có tính chất tẩy rửa mạnh.
- Gội đầu với nước nóng.
Tất cả những thói quen này đều làm sạch triệt để lớp dầu tự nhiên bảo vệ da đầu. Nó kích thích tuyến bã nhờn càng sản sinh dầu nhiều hơn để bảo vệ da đầu, và điều đó vô tình khiến cho mái tóc của bạn nhanh bết hơn.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn chăm sóc tóc và da đầu khỏe mạnh, hạn chế tình trạng bết dính tóc hiệu quả:
Tần suất gội đầu phù hợp: Chỉ nên gội đầu 2-3 lần/ tuần, với tóc dầu có thể gội đầu 4 – 5 lần. tuần, nhưng không nên quá thường xuyên.
Chọn nhiệt độ nước gội đầu từ 35 – 40 độ C: Nên gội đầu với nước ấm và làm sạch tóc sau khi dùng dầu xả bằng nước lạnh. Nước ấm làm mở lớp biểu bì trên tóc, đẩy bụi bẩn, dầu thừa ra ngoài, giúp làm sạch tóc hiệu quả, nhưng không khắc nghiệt như nước nóng. Và nước lạnh giúp làm đóng lớp biểu bì, giữ lại dưỡng chất cần thiết cho tóc, giúp tóc bóng khỏe tự nhiên.
Sử dụng dầu gội dịu nhẹ: Nên lựa chọn các loại dầu gội đầu có khả năng làm sạch tốt mà vẫn đảm bảo cân bằng pH cho da đầu, để dầu điều tiết tự nhiên. Bên cạnh đó, lựa chọn dầu gội có các thành phần dưỡng tóc từ sâu bên trong (hà thủ ô, mần trầu, vitamin E, dầu oliu,…) sẽ giúp tóc và da đầu luôn khỏe mạnh.
Massage da đầu nhẹ nhàng: Sử dụng phần thịt ở đầu ngón tay để massage da đầu, thúc đẩy tuần hoàn máu não. Cào gãi bằng móng tay và lược dày có thể tạo ra những vết trầy xước làm tổn thương da đầu, tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Sử dụng lượng dầu xả vừa phải: Dùng quá nhiều dầu xả cũng không khiến tóc bóng mượt hơn, nó chỉ làm tăng nguy cơ giữ lại bọt hay dầu xả thừa trên da đầu, gây bết tóc và nổi mụn.
Làm khô tóc đúng cách: Sau khi gội đầu, không nên ngay lập tức dùng máy sấy nhiệt lượng cao áp sát da đầu làm khô hoàn toàn. Vì như vậy sẽ khiến da đầu bị khô hơn, tuyến dầu nhận được tín hiệu này sẽ tăng tiết dầu để làm ẩm da đầu. Từ đó, tóc sẽ nhanh bết hơn. Hãy làm khô tóc bằng cách dùng khăn mềm thấm sạch nước đọng trên tóc rồi mới sấy tóc, nên đảo chiều máy sấy liên tục với nhiệt độ vừa phải và chỉ sấy khô 50% rồi để tóc khô tự nhiên.
Chú ý tới chế độ ăn uống: Các món ăn nhiều dầu mỡ không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì hay các bệnh tim mạch mà còn có thể khiến các tuyến bã nhờn tăng bài tiết dầu. Do vậy, trong chế độ ăn uống hằng ngày nên hạn chế các món ăn dầu mỡ, nhiều chất béo, đồ uống có đường… Thay thế bằng rau củ xanh và trái cây, các thực phẩm từ sữa, thịt nạc giúp cơ thể và da đầu khỏe mạnh hơn.