Có 2 phương pháp hấp tóc hiện nay là hấp nóng và hấp lạnh. Nếu như hấp nóng bạn cần dành thời gian để đến salon chuyên nghiệp và cần sự giúp đỡ của thợ làm tóc thì hấp lạnh bạn có thể áp dụng ngay tại nhà. Vậy quy trình thực hiện hấp lạnh tại nhà được thực hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây để chăm sóc tóc ngay tại nhà một cách tốt nhất nhé.
Mục lục
Hấp lạnh tóc là gì?
Trước khi tìm hiểu khái niệm hấp lạnh tóc, bạn cần hiểu hấp tóc là như thế nào. Đây là một trong những biện pháp giúp chăm sóc và cải thiện một số vấn đề hư tổn của tóc như khô xơ, mất nước. Bên cạnh đó chúng còn bổ sung độ ẩm và các dưỡng chất cần thiết cho tóc. Do vậy, hấp tóc không chỉ khiến tóc được phục hồi tức thì mà còn trở nên suôn mượt, giàu sức sống trong thời gian sau đó.
Hấp lạnh tóc hay ủ tóc, hấp nguội tóc đều là thuật ngữ chỉ phương pháp chăm sóc tóc không sử dụng nhiệt độ để làm giãn nở nang tóc mà đơn giản chỉ sử dụng dầu dưỡng, kem ủ thoa đều lên tóc sau đó tiến hành ủ bằng khăn trùm hay mũ ủ tóc là xong.
Phương pháp này khá đơn giản nhưng thích hợp với mái tóc đang trong tình trạng hư tổn nặng và bạn hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà mà không cần đến salon.
Có thể bạn chưa biết: 11 kiểu tóc dành cho cô nàng tóc bông xù.
Tác dụng của hấp lạnh tóc?
Cải thiện và hạn chế tình trạng khô xơ và chẻ ngọn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tóc thiếu độ ẩm và mái tóc đang bị hư tổn. Hấp lạnh sẽ giúp bổ sung độ ẩm cần thiết và khắc phục các vấn đề mà tóc đang gặp phải.
Tăng độ đàn hồi cho tóc: khả năng co giãn của tóc được thể hiện bằng độ đàn hồi. Khi tóc có đủ độ đàn hồi sẽ chắc khỏe và ít gãy rụng hơn. Khi tiến hành hấp tóc, mái tóc được bổ sung dưỡng chất cũng như độ ẩm giúp tóc khỏe mạnh và trở nên suôn mượt.
Kích thích mọc tóc: vòng đời của tóc thường kéo dài 2 – 6 năm. Tốc độ phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như chế độ dinh dưỡng, yếu tố di truyền và tuổi tác. Hấp lạnh giúp tăng cường sức khỏe của tóc, giúp tóc đạt đúng chu kỳ sinh trưởng của mình.
Tăng cường sức khỏe da đầu: khi độ ẩm được bổ sung đầy đủ, da đầu sẽ đạt trạng thái cân bằng tự nhiên. Do vậy, tình trạng viêm da đầu, tăng tiết bã nhờn được hạn chế tối đa.
Hấp nóng hay hấp lạnh tốt hơn?
Không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này bởi lựa chọn phương pháp nào còn phụ thuộc vào mức độ hư tổn của tóc.
Nếu tóc đang trong tình trạng hư tổn nặng thì nên chọn hấp lạnh. Nhiều bạn sẽ thắc mắc tại sao do khi tóc bị hư tổn nặng thì việc bổ sung các dưỡng chất là cần thiết, hấp nóng sẽ khiến các nang tóc giãn nở như vậy sẽ giúp mái tóc hấp thu được các chất dinh dưỡng và phục hồi nhanh hơn sao? Tuy nhiên, khi bị hư tổn thì cấu trúc tóc đã bị thay đổi so với sợi tóc bình thường.
Tóc có cấu trúc gồm 3 phần: lớp biểu bì (lớp ngoài cùng) – lớp vỏ (lớp giữa) – lõi (lớp trong cùng). Nếu tóc chắc khỏe thì khi sờ cảm thấy trơn, mượt và có độ bóng cao. Ngược lại nếu tóc hư tổn sẽ có cảm giác khô, thô ráp. Do vậy, nếu tiếp tục áp dụng phương pháp hấp nóng sẽ khiến lớp biểu bì mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, tăng nguy cơ mất nước khiến tóc càng trở nên khô xơ.
Do vậy, tóc hư tổn nên chọn phương pháp hấp lạnh. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn những sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp. Mỗi chất tóc sẽ có chế độ chăm sóc khác nhau nên hãy cẩn thận trong việc lựa chọn dầu hấp tóc phù hợp với mình.
Tham khảo thêm: Tóc rễ tre nên để kiểu gì vừa xinh vừa quyến rũ.
Quy trình hấp tóc lạnh
Để phát huy hết được công dụng của hấp lạnh chăm sóc tóc, bạn cần thực hiện theo đúng những bước sau đây:
Bước 1: Chọn dầu hấp tóc phù hợp với mái tóc
Một sai lầm mà nhiều bạn gặp phải là tùy tiện sử dụng dầu hấp tóc mà không chú ý việc nó có phù hợp hay không. Nếu không phù hợp có thể khiến mái tóc bị gãy rụng nhiều, gàu xuất hiện kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Do thành phần của mỗi dầu hấp là khác nhau, nếu sử dụng không đúng có thể gây kích ứng da đầu. Chính vì vậy, cần xác định chất tóc và mức độ hư tổn để chọn dầu hấp phù hợp nhất.
Bước 2: Gội sạch đầu
Đây là bước rất quan trọng giúp tóc có thể hấp thu dưỡng chất trong dầu hấp tóc tốt nhất do bụi bẩn và bã nhờn đã được lấy đi. Tuy nhiên, chú ý nên gội bằng nước mát vì nước nóng có thể khiến cho tóc trở nên khô xơ còn nếu gội với nước lạnh bã nhờn và bụi bẩn sẽ không được lấy đi hoàn toàn. Sau khi gội đầu xong, dùng khăn mềm để lau cho bớt nước tạo độ ẩm nhất định trước khi sử dụng dầu hấp tóc.
Bước 3: Thoa đều dầu hấp tóc
Để giúp tóc có thể hấp thu lượng dầu hấp như nhau, bạn nên chia tóc thành 4 phần chia theo đường ngang phía trên 2 bên vành tai và đường ngôi giữa từ phía trước ra sau, dùng kẹp gọn lại.
Lấy 1 lượng dầu hấp vừa đủ ra tay. Lượng dầu này phù hợp với độ dài và dày của tóc. Không nên dùng quá nhiều dầu hấp trong 1 lần vì dễ khiến cho tóc bắt bụi và bã nhờn nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu dùng quá ít sẽ không đủ dưỡng chất để phục hồi tóc khô xơ và bảo vệ tóc.
Tiến hành thoa dầu hấp từ thân xuống ngọn, không thoa trực tiếp lên da đầu vì có thể gây bít tắc lỗ chân lông thậm chí có cảm giác bết dính sau mỗi lần hấp. Chú ý tập trung vào phần ngọn tóc do đây là vị trí tóc dễ khô xơ và chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ môi trường bên ngoài nên dễ bị hư tổn.
Nhẹ nhàng massage da đầu khoảng 3 – 5 phút để các dưỡng chất hấp thu tốt nhất, thấm sâu vào từng sợi tóc.
Bước 4: Tiến hành ủ tóc
Dùng khăn mềm nhúng vào chậu đựng nước nóng, vắt bớt nước và quấn kín tóc. Nên dùng khăn ấm để ủ tóc vì hơi ấm của nước sẽ giúp các nang tóc mở ra giúp các dưỡng chất thuận lợi thấm sâu vào cấu trúc của tóc. Ủ trong khoảng 10 – 30 phút.
Bước 5: Xả sạch tóc
Tháo khăn xuống và dùng nước mát để xả sạch tóc. Dùng khăn mềm lau bớt nước và nên để tóc khô tự nhiên.
Một số lưu ý khi hấp tóc lạnh
- Để tóc hấp thu tốt nhất các dưỡng chất, không nên thoa dầu hấp khi tóc còn quá ướt hay khô. Nếu tóc quá ướt thì lượng dầu hấp không còn giữ lại trên tóc khiến chúng khó hấp thu hết các chất dinh dưỡng. Cách tốt nhất là sau khi gội xong đầu, lau qua tóc sau đó mới tiến hành thoa dầu hấp.
- Không nên dùng dầu xả trước khi hấp tóc. Chú ý hạn chế dùng dầu hấp thay thế cho dầu xả do dầu hấp phát huy công dụng tốt nhất trong môi trường ủ kín.
- Không nên ủ tóc trong thời gian quá lâu (hơn 30 phút) do hấp dầu quá lâu có thể khiến tóc và da đầu bị tổn thương.
- Nên massage da đầu giúp tăng lưu thông máu dưới da đầu, tăng hấp thu dưỡng chất.
- Thoa dầu hấp cách da đầu khoảng 2 – 3 cm để tránh tình trạng nhờn bết.
- Có thể kết hợp cùng một số loại tinh dầu vì tinh dầu dễ thẩm thấu qua da đầu giúp chăm sóc tóc tốt hơn từ bên trong.
- Tần suất ủ tóc hợp lý là 1 lần / tuần vì nếu lạm dụng có nguy cơ làm tóc yếu đi do hấp thu quá nhiều thuốc dưỡng.
Như vậy, với các bước thực hiện đơn giản như trên là bạn có thể thực hiện phương pháp hấp lạnh hiệu quả để có mái tóc mềm mại và óng mượt như ý muốn. Do vậy, đừng vì lười mà bỏ qua phương pháp chăm sóc tóc tuyệt vời này nhé.
Tham khảo: Danh sách những thực phẩm giúp chân tóc luôn khỏe mạnh.