Tuy chỉ là một quyết định nhỏ trong quy trình vệ sinh cơ thể hàng ngày, nhưng có không ít người phân vân tự hỏi “nên tắm trước hay gội đầu trước thì tốt hơn?”. Hãy đọc bài viết sau để tìm hiểu xem thứ tự nào mang lại kết quả tốt nhất cho tóc và body của bạn nhé!
Mục lục
Nên tắm trước hay gội đầu trước?
Nhiều người cho rằng việc tắm trước sẽ giúp cơ thể làm quen với nhiệt độ nước, nên khi gội đầu sẽ không cảm thấy khó chịu. Trong khi một số khác lại cho rằng tắm sau khi gội đầu sẽ làm sạch bọt xà phòng từ dầu gội hay dầu xả xuống lưng, giúp ngăn ngừa mụn trứng cá.
Thực tế, trong quy trình vệ sinh cơ thể, dù bạn chọn tắm hay gội đầu trước đều ổn, miễn là bạn làm sạch tóc, da đầu và body cẩn thận.
Ngay cả với những người đang bị ốm thì quy trình này cũng không nhất thiết phải thực hiện theo một thứ tự đặc biệt nào đó. Bạn có thể chọn gội đầu hoặc tắm trước, điều bạn nên chú ý tới là nhiệt độ của nước.
Chẳng hạn đối với những người có vấn đề về huyết áp, tắm nước lạnh (đặc biệt trong mùa đông) có thể làm co thành mạch máu khiến mạch máu dễ tổn thương. Ngược lại tắm nước nóng có thể làm thay đổi huyết áp đột ngột, gây ra tình trạng chóng mặt, ngất xỉu… Bên cạnh đó, tắm gội với nước nóng còn khiến cho lớp dầu tự nhiên trên da bị làm sạch triệt để, dẫn tới tình trạng khô xơ tóc, khô da cơ thể.
Do đó, nguyên tắc cốt lõi là phải duy trì nhiệt độ nước tắm gội ở mức dễ chịu (từ 38 – 44 độ C) và đưa vòi nước tiếp xúc từ từ với da để không khiến cơ thể cảm thấy run lạnh hoặc bỏng rát.
Dưới đầy là những lưu ý quan trọng về việc tắm gội hằng ngày mà bạn cần biết thêm.
Những lưu ý cần biết khi tắm gội
Trình tự tắm
Trình tự tắm nên thực hiện từ trên xuống dưới, để rửa trôi hoàn toàn chất bẩn. Hãy bắt đầu với da mặt, cổ ngực, tay, lưng, cuối cùng là vùng nhạy cảm và chân.
Sau khi tắm cần lau khô người và sấy tóc ngay, không ngồi cạnh điều hòa hoặc ra gió để tránh cơ thể nhiễm lạnh.
Thời gian tắm gội không nên quá lâu
Tổng thời gian tắm và gội đầu chỉ nên từ 10 – 15 phút. Không tắm gội quá lâu để tránh gây khô da và tóc hoặc làm mất cân bằng ẩm và pH của da.
Lựa chọn sản phẩm tắm gội phù hợp
Mỗi loại da và tóc có những đặc điểm riêng, ví dụ như da nhạy cảm, da khô, da dầu, tóc dầu, tóc khô, và nhu cầu chăm sóc khác nhau. Bằng cách lựa chọn mỹ phẩm tắm gội phù hợp, bạn có thể cung cấp đúng dưỡng chất và độ ẩm cho da và tóc, giúp chúng khỏe mạnh và hạn chế các vấn đề như kích ứng, khô ráp, hay dầu nhờn.
Thời điểm không phù hợp để tắm gội
Không nên tắm gội khi đói hoặc vừa ăn no:
Tắm khi đói bụng có thể gây tụt đường huyết, đặc biệt là tắm trong phòng xông hơi, tắm với nước nóng. Bên cạnh đó, tắm khi đói cũng làm cho các mạch máu ở da căng lên và cung cấp máu lên não không đủ.
Tắm khi vừa ăn no dễ gây ra các bệnh về tiêu hóa, vì làm giảm lượng máu đổ về hệ tiêu hóa, khiến dạ dày – ruột phải hoạt động nhiều hơn. Ngoài ra, tắm sau khi ăn no cũng có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch.
Thời điểm thích hợp nhất là nên tắm trước hoặc sau khi ăn cơm khoảng 2 tiếng.
Không nên tắm gội ngay khi cơ thể đang ra nhiều mồ hôi:
Sau khi vận động hoặc đi ngoài nắng về, mồ hôi tiết ra nhiều hơn để làm mát cơ thể, nếu như tắm ngay lúc này sẽ dễ gây ra tình trạng cảm lạnh, chóng mặt, buồn nôn… Chính vì thế, tốt nhất chúng ta nên nghỉ ngơi khoảng 20 – 30 phút cho ráo mồ hôi rồi mới tắm và tắm bằng nước ấm.
Không nên tắm khi bị ốm sốt cao:
Khi bị ốm sốt cao, không nên tắm vì có một số lý do sau:
- Khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể ở ngưỡng cao, nên tiếp xúc với nước lạnh đột ngột có thể gây sốc nhiệt dẫn tới tình trạng đột quỵ.
- Tắm khi bị ốm sốt cao có thể khiến tình trạng trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi.
- Khi bạn bị ốm sốt cao, hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi và dễ dàng bị nhiễm khuẩn. Tiếp xúc với nước trong quá trình tắm có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm và gây biến chứng.
Do đó, khi bị ốm sốt cao, nên tạm thời trì hoãn việc tắm cho đến khi cơ thể hồi phục và nhiệt độ cơ thể ổn định. Thay vì tắm, bạn có thể lau sạch cơ thể bằng khăn ngâm nước ấm để giữ sạch và thoải mái. Hãy luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Không nên tắm gội khi uống rượu say:
Các loại đồ uống có cồn có thể ức chế hoạt động của gan, làm giảm một lượng lớn glucose trong cơ thể. Điều này dẫn tới tình trạng tụt đường huyết khi tắm lúc say rượu. Đường huyết giảm đột ngột khiến huyết quản co lại, dẫn tới cảm lạnh, nguy hiểm hơn là đột quỵ.
Không nên tắm gội ngay khi vừa thức dậy:
Bạn cho rằng tắm gội ngay khi vừa thức dậy sẽ giúp cơ thể sảng khoái nhanh chóng, bắt đầu một ngày làm việc mới tràn đầy năng lượng? Nhưng bạn cần chú ý. Tắm vào sáng sớm ngay khi vừa thức dậy là thời điểm cơ thể còn chưa phục hồi các chức năng, quá trình tuần hoàn máu còn kém nên có thể gây chóng mặt, đau đầu. Do vậy, tốt nhất bạn nên chờ ít nhất là 30 phút kể từ khi thức dậy rồi mới tắm gội.
Không nên tắm gội quá khuya:
Nhiều người thường hay tắm khuya vì muốn giải tỏa cảm giác bí bách trước khi lên giường. Nhưng tắm vào thời điểm này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của chúng ta.
Theo Đại tá, Lương y Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình): “Chúng ta không nên tắm gội sau 22h đêm vì nước lạnh có thể khiến máu khó lưu thông, từ đó gây đau đầu, mỏi cổ, vai gáy, đau nhức toàn thân, đau đầu kinh niên. Thậm chí việc tắm đêm dễ dẫn đến tới hiện tượng co mạch máu có thể gây tai biến, đột quỵ và thiệt mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.”
Do đó, việc tắm gội vào đêm muộn rất nguy hiểm, nhất là những người cao tuổi hoặc có vấn đề về huyết áp. Nếu tắm gội buổi tối, nên thực hiện trước 20h, và nên làm khô tóc hoàn toàn trước khi đi ngủ để tránh bị cảm lạnh hay bết dính tóc.
Tắm gội tuy là việc vệ cơ thể sinh bình thường hằng ngày nhưng mọi người đều cần nắm được những kiến thức cơ bản để giúp bản thân được an toàn. Với sự quan tâm và lựa chọn đúng đắn, bạn sẽ tận hưởng một trải nghiệm tắm gội thư giãn và tốt cho sức khỏe của mình.