Nổi nhọt trên da đầu không chỉ gây cảm giác đau đớn mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sinh ra tâm lý tự ti và bất tiện trong sinh hoạt. Vạy nổi nhọt trên da đầu là bệnh gì và làm thế nào để khắc phục? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Mục lục
1. Nổi nhọt trên da đầu là gì?
Nổi nhọt (hay nổi mụn) trên da đầu là hiện tượng nổi mụn ở các vị trí khác nhau trên da đầu, dọc theo rìa chân tóc. Tùy vào nguyên nhân và mức độ mà các mụn này sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau như: ngứa ngáy, đau nhức, sưng đỏ hoặc lở loét, chảy mủ.
Theo các chuyên gia, nhọt trên da đầu thường bao gồm các loại sau:
- Mụn đầu đen: Xuất hiện do lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi tế bào chết hoặc bã nhờn dư thừa. Nhân mụn bị oxy hóa bởi không khí nên chuyển sang màu đen. Mụn đầu đen không viêm, không gây sưng đỏ hay đau cho người bệnh.
- Mụn đầu trắng: Quá trình hình thành tương tự mụn đầu đen. Tuy nhiên, đầu mụn hơi cứng được bao phủ bởi một lớp da và có màu trắng.
- Mụn mủ và mụn nhọt: Xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn sâu bên trong, gây viêm và sưng đỏ. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do nhiễm khuẩn, nấm, dị ứng hoặc rối loạn nội tiết tố.
- Mụn nang: Khối viêm nằm sâu trong da, chứa đầy mủ. Mụn nang gây đau nhức và thường gây sẹo trên da sau khi lành.
Đa số các trường hợp nổi nhọt trên da đầu sẽ tự khỏi sau khi được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp các nhọt nằm sâu trong da gây tổn thương nặng, thành sẹo có thể dẫn đến rụng tóc, hói đầu hoặc đau ngứa kéo dài. Trường hợp này, bạn cần tìm đến các bác sĩ da liễu để được tư vấn điều trị.
2. Nguyên nhân gây nổi nhọt da đầu
Có 2 nguyên nhân chính gây nổi nhọt trên da đầu gồm: tắc nghẽn lỗ chân lông và nhiễm khuẩn. Trong đó:
2.1 Tắc nghẽn lỗ chân lông
Cũng như các vùng da khắc trên cơ thể, lỗ chân lông trên da đầu có thể bị tắc nghẽn bởi bã nhờn dư thừa, mồ hôi hoặc tế bào chết làm hình thành nên các nhân mụn. Quá trình này còn có thể xảy ra bởi các yếu tố khác như: các sản phẩm chăm sóc tóc dư thừa, bụi bẩn hoặc hóa chất độc hại.
Nổi mụn trên da đầu do tắc nghẽn lỗ chân lông chủ yếu là mụn đầu đen, mụn đầu trắng hoặc hoặc mụn nhọt. Đa số trường hợp đều không gây cảm giác đau, sưng nhức hoặc tấy đỏ. Các mụn này cũng không để lại biến chứng nghiêm trọng trên da đầu sau khi điều trị khỏi.
2.2 Nhiễm khuẩn
Mụn nhọt trên da đầu cũng có thể xuất hiện do nhiễm vi khuẩn hoặc vi nấm như:
- Nấm Malassezia: Gây viêm da tiết bã khiến người bệnh ngứa ngáy, tóc bết dính, nổi sẩn mụn màu đỏ, bong vảy da đầu, nóng rát da đầu. Triệu chứng biểu hiện rõ ở vùng đường viền chân tóc và có thể gây rụng tóc.
- Vi khuẩn Cutibacterium: Là nguyên nhân khiến mụn trứng cá bùng phát trên da đầu. Sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn này có thể gây mụn viêm đỏ và đau nhẹ khiến người bệnh khó chịu.
- Vi khuẩn Staphylococcus epidermidis: Phát triển quá mức trên da gây nhiễm khuẩn, viêm làm hình thành các mụn mủ ở vùng da đầu. Mụn khi vỡ có thể chảy mủ, lở loét và nhiễm khuẩn nếu không được điều trị phù hợp.
- Vi khuẩn Propionibacterium acnes: Là nguyên nhân gây mụn trứng cá mủ và mụn bọc trên da đầu. Những mụn này thường sưng đỏ, chứa lượng mủ lớn và gây triệu chứng sưng tấy, đau nhức vùng da đầu.
- Vi khuẩn Staphylococcus aureus: Là nguyên nhân gây bệnh chốc lở trên da đầu với các mụn mủ lớn. Sau khi mụn vỡ có thể hình thành những ổ áp xe đầy mủ, đau nhức, sưng đỏ.
Trong hầu hết trường hợp, nhiễm khuẩn da đầu xuất hiện ở những người có chế độ sinh hoạt chưa hợp lý, da đầu không được vệ sinh sạch sẽ dẫn đến vi khuẩn phát triển mạnh mẽ trên da đầu. Ngoài ra, chế độ ăn giàu carbohydrate, nhiều sữa cũng thúc đẩy mụn bùng phát hoặc tiến triển nặng hơn.
3. Làm thế nào để khắc phục nhọt trên da đầu?
Trong đa số trường hợp, mụn nhọt trên da đầu có thể tự khỏi khi bạn vệ sinh da đầu sạch sẽ kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, những trường hợp bị nổi mụn nghiêm trọng, bạn cần tìm đến bác sĩ da liễu và dùng thuốc điều trị theo chỉ định.
3.1 Dùng thuốc điều trị
Hầu hết người bị nổi nhọt trên da đầu sẽ được hướng dẫn điều trị với các hoạt chất không kê đơn trong các chế phẩm tại chỗ như: gel bôi da, kem thoa hoặc dầu gội đầu. Điển hình như:
- Tinh dầu tràm trà: Có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm giúp loại bỏ vi khuẩn trên da đầu. Tinh dầu tràm trà thường được điều chế dưới dạng serum hoặc bổ sung trong các loại dầu gội.
- Axit salicylic – Axit glycolic: Có tác dụng kháng khuẩn, loại bỏ tế bào chết trên da đầu. Hoạt chất được bổ sung trong các sản phẩm dầu gội hay tẩy tế bào chết da đầu.
- Ketoconazole: Là hoạt chất có tác dụng kháng nấm, giảm sưng đỏ và loại bỏ vảy ở da đầu. Bạn có thể tìm thấy hoạt chất này trong các sản phẩm gel bôi hoặc dầu gội.
- Ciclopirox: Điều trị nấm, khắc phục tình trạng nổi ngứa, mụn nhọt trên da đầu. Hoạt chất thường được bào chế dưới dạng kem bôi da tại chỗ.
Sau khi điều trị bằng các hoạt chất trên, nếu tình trạng nổi nhọt trên da đầu không được cải thiện, các bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc khác như:
- Thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân: Tăng hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn, hạn chế biến chứng nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Thuốc kháng histamine: Điều trị mụn nhọt do nguyên nhân dị ứng da đầu gây ra giúp giảm ngứa, giảm phù nề hiệu quả.
- Isotretinoin: Chỉ định cho các trường hợp mụn trứng cá nang, mụn trứng cá nghiêm trọng mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
- Corticoid dạng kem bôi hoặc uống: Có tác dụng chống viêm mạnh, kiểm soát nhanh các loại mụn viêm, giảm triệu chứng đau nhức, sưng tấy trên da đầu.
Cần lưu ý rằng tất cả các thuốc điều trị đều có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng cho cơ thể nếu sử dụng sai cách. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về dùng mà chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
3.2 Sử dụng bài thuốc dân gian
Nếu mụn nhọt trên da đầu không quá nghiêm trọng, bạn có thể thử áp dụng các bài thuốc dân gian để cải thiện tình trạng này. Một số bài thuốc được sử dụng phổ biến như:
- Cao nghệ: Giã nhuyễn hỗn hợp gồm: 60g nghệ tươi, 80g củ ráy bỏ vỏ. Sau đó, đem nấu nhừ với 40g nhựa thông, 80g dầu vừng và 40g sáp ong. Đắp hỗn hợp lên vùng da đầu bị mụn 1 lần/ ngày đến khi cải thiện.
- Rau diếp cá: Dùng một nắm rau diếp cá tươi, rửa sạch rồi giã nhuyễn. Sau đó, đắp rau lên vùng da đầu bị mụn nhọt khoảng 2 – 3 lần/ tuần để giảm triệu chứng sưng đau và giúp tổn thương mụn nhanh lành.
- Nha đam: Lấy nha đam tươi, gọt sạch phần vỏ xanh, thu phần thịt trong, cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn. Sau đó, đắp hỗn hợp nha đam lên vùng da đầu bị mụn trong vòng 20 phút rồi gội sạch với nước ấm. Thực hiện 3 – 4 lần/ tuần đến khi cải thiện.
Lưu ý: Những bài thuốc này cần được thực hiện kiên trì để phát huy hiệu quả tốt nhất. Trong quá trình thực hiện, nếu nhận thấy da đầu có các biểu hiện kích ứng như: da châm chích, sưng ngứa hay mẩn đỏ, cần ngưng dùng và theo dõi cẩn thận. Nếu triệu chứng nặng, bạn cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết.
Nổi nhọt trên da đầu trong hầu hết trường hợp đều không quá nghiêm trọng. Vì vậy, bạn không cần quá lo lắng khi gặp phải tình trạng này. Hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân và xác định mức độ nghiêm trọng của mụn trên da đầu trước khi lựa chọn phương pháp điều trị. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích để giải quyết nhanh chóng tình trạng này.