Sở hữu một mái tóc chắc khỏe, bóng mượt và bồng bềnh là mơ ước của tất cả chị em phụ nữ. Tuy nhiên, các tác nhân như khói bụi, ánh nắng, gió, nhiệt độ, các loại hóa chất làm tóc khiến cho mái tóc trở nên khô xơ, gãy rụng và hư tổn nhiều hơn. Bài viết sau đây giới thiệu về khái niệm phục hồi tóc hư tổn và trả lời câu hỏi phục hồi tóc hư tổn có hiệu quả không?
Mục lục
Dấu hiệu tóc hư tổn
– Mái tóc bị hư tổn có thể nhận biết bằng mắt thường, mái tóc nhìn thiếu sức sống, xơ xác, tóc rối và kém bóng mượt và ngọn tóc bị chẻ ngọn. Sợi tóc khỏe mạnh nhìn bóng mượt là do lớp biểu bì với 5-7 lớp keratin trong suốt xếp chồng lên nhau như vảy cá và được gắn với nhau bằng 1 loại hợp chất kết dính. Lớp màng mỡ mỏng ngoài cùng của sợi tóc giúp bao bọc và duy trì độ ẩm cũng như khiến tóc không bị thấm nước.
Nhiệt độ hay hóa chất khiến lớp bao bọc này bị tổn thương, các keratin bong tróc khiến sợi tóc sần sùi, nhìn tổng thể sẽ thấy khô xơ, bông xù, kém sức sống.
– Khi chải tóc bằng lược hoặc khi gội đầu thấy các sợi tóc gãy rụng nhiều. Và đặc biệt tóc sẽ bị rối và bạn phải chật vật để gỡ rối cho tóc. Lớp biểu bì của tóc hư tổn bị mất đi độ ẩm, khi các lớp biểu bì ma sát với nhau, các sợi tóc sẽ đan cài vào nhau khiến bạn mất nhiều thời gian để gỡ rối và có thể làm tóc gãy rụng nếu dùng lực quá mạnh.
– Một dấu hiệu khác thường gặp khi tóc bị hư tổn đó là tóc mọc chậm và không đồng đều. Tóc hư tổn thì khả năng hấp thụ dưỡng chất của nang tóc rất kém, dẫn đến quá trình phát triển dài ra của tóc bị chậm lại.
– Ngoài ra, nhiều mái tóc dù không biểu hiện rõ rệt hư tổn như các dấu hiệu trên, nhưng thực ra tóc đã bị hư tổn từ sâu bên trong, sau đây là một số cách để nhận biết:
- Thả sợi tóc vào 1 cốc nước, tóc rất nhanh chóng chìm xuống chứng tỏ mái tóc này đã bị hư tổn. Do lớp màng chống nước của tóc hư tổn đã mất đi, nước nhanh chóng thấm qua các lỗ hổng lớp sừng vào thân tóc dạng xốp. Khi đó tóc nhanh chóng thấm nước và chìm xuống.
- Hoặc, bạn có thể kéo giãn 1 sợi tóc với lực nhẹ vừa phải, sau đó thả ra. Nếu sợi tóc không thể hồi phục về trạng thái ban đầu mà bị xoăn hoặc đứt gãy ngay thì tóc bạn cũng đã bị hư tổn rồi đấy.
Phục hồi hư tổn có hiệu quả không?
Rất nhiều người trong chúng ta thường băn khoăn rằng, khi tóc bị hư tổn thì các biện pháp như đi phục hồi tại salon tóc hay chăm sóc tóc tại nhà có thực sự hiệu quả không?
Có một thực tế rằng, nếu mái tóc của bạn đang ở trong tình trạng hư tổn nhẹ, có thể bạn không mấy để tâm và hầu như bỏ bê chúng. Hằng ngày, ngoài gội đầu để làm sạch da đầu và tóc thì gần như không có thêm thao tác chăm sóc tóc nào. Tình trạng này kéo dài, không sớm thì muộn mái tóc của bạn cũng trở nên xơ xác, hư tổn nặng hơn.
Ngược lại, một mái tóc hư tổn dù nặng hay nhẹ, nếu được chú ý áp dụng các biện pháp để phục hồi thì sự khác biệt to lớn sẽ đến ngay sau đó. Bạn hoàn toàn có thể biến một mái tóc khô xơ, xỉn màu, kém sức sống, hay gãy rụng thành một mái tóc bóng mịn, bồng bềnh và thu hút mọi ánh nhìn. Nếu bạn còn nghi ngờ, hãy thử và cảm nhận sự thay đổi sau quá trình phục hồi tóc phù hợp.
Tóc hư tổn có thể khắc phục bằng cách phục hồi tại các salon hair. Sau khi phục hồi tóc, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi mái tóc rõ rệt. Tuy nhiên, đây không phải là kết quả vĩnh viễn, bất kì biện pháp “cải tạo” sức khỏe mái tóc nào tại salon cũng không thể duy trì được nếu như bạn không chủ động chăm sóc tóc tại nhà đúng cách.
Chữa lành hư tổn cho tóc bắt đầu từ đâu?
Việc chữa lành các tổn thương của tóc bắt đầu đi từ chính những vấn đề mà cấu trúc tóc đang gặp phải. Về cơ bản, các hư tổn này bao gồm
- Tổn thương thân tóc: Đây là một dạng hư tổn rất sâu, lớp xốp chưa sắc tố của tóc bị ngấm hóa chất và các tác động nhiệt độ dẫn đến hư tổn nặng, biểu hiện là tóc khô, cháy, tóc nát và có màu vàng sáng.
- Tổn thương lớp biểu bì tóc: Lớp vảy sừng với cấu trúc xếp lớp bị phá vỡ do các tác nhân hóa chất, nhiệt độ, nắng…khiến sợi tóc sần sùi, thô ráp và dễ gãy rụng.
- Lớp dầu tự nhiên của tóc bị mất đi: Lớp màng chất béo bao bọc sợi tóc bị mất đi khiến tóc mất đi độ ẩm và sự bóng mượt.
Hiện nay, tại các salon chăm sóc tóc đang phổ biến 2 cách phục hồi cho tóc có thể giải quyết tốt đẹp các vấn đề trên. Hai phương pháp bao gồm hấp dầu và liệu pháp keratin tương ứng với 2 mức độ hư tổn tóc nhẹ và nặng.
Phục hồi tóc hư tổn mức độ nhẹ hiệu quả nhất
Hiệu quả của phương pháp hấp dầu cho tóc
Hiệu quả dưỡng tóc: Hấp tóc là cách sử dụng các loại dầu dưỡng tóc, dầu hấp và dầu xả cùng các tác động của nhiệt độ và độ ẩm từ hơi nước kích thích mở nang và biểu bì của tóc. Khiến cho các dưỡng chất đi sâu và hấp thụ vào trong thân tóc. Như vậy, sau khi tóc hấp thu được dưỡng chất và độ ẩm cần thiết sẽ trở nên chắc khỏe hơn.
Hiệu quả kích thích mọc tóc: Phương pháp hấp dầu giúp giãn nở các nang tóc, khiến các chất cặn bã được loại bỏ trong quá trình gội đầu, nang tóc thông thoáng giúp tóc phát triển tốt hơn, nhanh mọc và dày hơn.
Một số loại dầu hấp tóc chất lượng thường được sử dụng tại các Spa và Salon gồm:
- Dầu hấp Secret Key Mu-Coating LPP Repair Treatment
- Dầu hấp Macadamia
- Dầu hấp Moroccanoil Intense Hydrating Mask
- Dầu hấp Nutri Care Fanola – Italia
Lựa chọn dầu hấp cho tóc như thế nào để phục hồi hư tổn hiệu quả nhất?
Trên thị trường có vô vàn loại dầu hấp với thành phần và công dụng khác nhau. Nhìn chung, các loại dầu hấp đều hướng tới phục hồi tóc hư tổn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả phục hồi tốt nhất, bạn đọc cũng nên biết cách lựa chọn dầu hấp phù hợp với mình.
Cách lựa chọn dầu hấp có thể căn cứ trên chất tóc và kiểu tóc của từng người.
Một số bạn nữ có mái tóc thường xuyên bị bóng dầu, bết dính nên hạn chế các sản phẩm hấp chuyên dưỡng ẩm như chứa chiết xuất dầu dừa, dầu oliu. Mà nên sử dụng các sản phẩm có khả năng kiểm soát dầu như trà xanh, hoa hồng…
Bạn nữ tóc khô nên lựa chọn dầu hấp có thành phần dưỡng ẩm cao, giàu vitamin E và dưỡng chất, có thể lựa chọn các chiết xuất từ bơ, dầu oliu.
Với bạn nữ mới tạo kiểu tóc xoăn hoặc ép, duỗi, cần lưu ý dầu hấp có thành phần giữ nếp tóc hay không.
Hấp dầu đúng cách
Hấp dầu cho tóc được chia làm 2 loại: hấp nhiệt và hấp lạnh
Đối với hấp nhiệt (hấp nóng)
Bước 1: Để bắt đầu quá trình hấp nhiệt, người thợ sẽ gội sạch da đầu cho khách.
Bước 2: Thoa 1 lượt dầu hấp có thể kèm thêm dầu dưỡng sau khi đã lựa chọn phù hợp với tiêu chí của mái tóc.
Bước 3: Cuộn tóc, bọc trong mũ tắm hoặc màng bọc, sau đó đưa tóc vào máy hấp dầu. Cài đặt thời gian tỏa hơi nóng cho máy hấp dầu chừng 20 phút.
Bước 4: Gội và xả tóc với nước. Sau đó sấy khô tóc.
Kết thúc quy trình này, bạn sẽ thấy tóc mềm mại, bóng mượt hơn trông thấy. Mách nhỏ cho các bạn nữ, việc hấp dầu nóng này, hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà. Chúng ta có thể sử dụng máy sấy để tạo hơi nóng thay cho máy hấp dầu ngoài tiệm. Điều quan trọng nhất là bạn nên tham khảo kỹ để lựa loại dầu hấp với các dưỡng chất phù hợp với tóc của mình.
Đối với hấp lạnh (hấp nguội)
Quy trình hấp lạnh cho tóc tương tự như hấp nóng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ bỏ qua bước sử dụng nhiệt độ trong lúc hấp dầu mà chỉ đơn giản là ủ thuốc với nhiệt độ môi trường ngoài. Hấp lạnh áp dụng với các mái tóc hư tổn nhiều hơn, không nên chịu thêm tác động của nhiệt độ cao.
Một số lưu ý khi hấp dầu
- Khi thoa dầu hấp và dầu dưỡng lên tóc nên thoa cách da đầu 2 cm, nếu thoa trực tiếp lên da đầu, tóc bạn có thể bị nhờn rít hơn.
- Không nên sử dụng dầu xả trong bước gội đầu trước khi hấp, nó có thể giảm tác dụng của dầu hấp và dưỡng.
- Nếu muốn làm hóa chất tạo kiểu cho tóc như uốn, ép, duỗi, nhuộm thì không nên hấp dầu trước khi làm, bởi vì hấp dầu sẽ khiến thu hẹp biểu bì tóc khiến giảm hấp thụ các hóa chất khác. Bạn chỉ nên hấp dầu sau khi đã làm các hóa chất khác để bổ sung dưỡng chất cho tóc thêm khỏe, bóng mượt.
Phục hồi tóc bị hư tổn nặng hiệu quả nhất
Keratin là gì? Hiệu quả của phương pháp phục hồi Keratin
Keratin là sản phẩm đặc trị tóc hư tổn cao cấp, được sử dụng ở hầu hết các salon tóc.Keratin chứa thành phần protein, có tác dụng lấp đầy các tổn thương của thân tóc và lớp biểu bì, lấy lại vẻ đẹp mềm mượt, tự nhiên cho mái tóc. Phương pháp phục hồi bằng keratin áp dụng phổ biến cho các trường hợp tóc bị hư tổn nặng.
Hiệu quả của phương pháp phục hồi bằng Keratin
– Hiệu quả trong phục hồi tóc hư tổn nặng như tóc cháy, tóc cực yếu do sử dụng hóa chất quá nhiều. Các hóa chất uốn, ép, nhuộm khiến tóc mất đi độ ẩm, chất tẩy khiến lớp biểu bì tóc bị khô và bong tróc, vì thế tóc rất yếu và xơ xác. Việc phủ keratin khiến sợi tóc dày dặn, mượt mà hơn, có khả năng chịu nhiệt cao giúp bạn có thể thực hiện các kỹ thuật khác ngay sau đó như uốn, ép, nhuộm…
– Hiệu quả phục hồi nhanh chóng và kéo dài: Hấp keratin khiến tóc bạn đẹp và khỏe ngay sau lần thực hiện đầu tiên. Đặc biệt, nếu chăm sóc đúng cách, mái tóc sẽ giữ được vẻ mềm mượt, bóng mịn kéo dài đến 6 tháng.
– Hiệu quả giảm bông xù, xơ rối và tăng độ đàn hồi của tóc: Keratin khiến tóc dày, bồng bềnh, chấm dứt tình trạng tóc mỏng, nhẹ và bông xù kém sức sống.
Nhược điểm của phương pháp phục hồi bằng keratin tại tiệm tóc: Để có một mái tóc đẹp sau khi làm phục hồi bằng keratin tại tiệm tóc. Bạn sẽ phải tốn kém một khoản chi phí không nhỏ. Chi phí để phục hồi tóc hư tổn bằng keratin tại các salon và spa về tóc đang dao động từ 500.000 đ cho đến 3.000.000 đ.
Ngoài ra, bạn cũng phải mất đến nửa ngày ở tiệm tóc để phục hồi tóc đúng quy trình.
Quy trình phục hồi tóc với keratin để đạt hiệu quả cao nhất.
– Bước 1: Xem xét và phân tích chất tóc để chuẩn bị.
Các chuyên gia tóc sẽ xem xét và đánh giá chất tóc, mức độ hư tổn của tóc bạn để sử dụng liều lượng keratin cũng như các loại dầu ủ hỗ trợ phù hợp.
– Bước 2: Gội đầu.
Gội đầu trước khi sử dụng thuốc phục hồi tóc khiến các biểu bì được mở ra, giúp đạt hiệu quả tối đa trong việc hấp thụ các dưỡng chất của tóc. Thợ gội đầu cần làm sạch kỹ tóc và da đầu của khách. Sau khi gội đầu, chỉ lau khô tóc và để tự nhiên mà không cần sấy.
– Bước 3: Hấp keratin cho tóc ( hấp phục hồi tóc ).
Keratin được các chuyên gia tóc pha chế theo tỷ lệ nhất định. Sản phẩm keratin hiện nay trên thị trường có rất nhiều dạng như dạng nước hoặc kem đặc. Nếu keratin dạng kem đặc cần pha với nước theo tỷ lệ 1:1. Tùy vào từng loại tóc mà chuyên gia sẽ pha chế thêm các loại dầu ủ, dầu hấp, dầu dưỡng phù hợp.
Thoa hỗn hợp trên lên tóc, chú ý cách xa da đầu 2cm, bôi kỹ phần ngọn tóc hư tổn. Thoa đều sản phẩm lên tóc trở đi trở lại 2-3 lượt.
Để yên trong vòng 20 phút, chú ý không cần để quá lâu.
Dùng thuốc số 1 (có thể là thuốc uốn hoặc duỗi, nhuộm) để bôi chồng lên lớp keratin, sau đó để 7-10 phút, có thể bôi thêm 1 lớp mỏng keratin nữa
– Bước 4: Gội sạch, sấy khô và là tóc.
Gội sạch đầu và sấy khô tóc. Sau đó dùng máy kẹp ở nhiệt độ 180- 200 độ C với mục đích đóng biểu bì, khóa dưỡng chất lại.