Rụng tóc luôn là điều khiến cho các chị em phải lo lắng vì bất cứ ai cũng muốn sở hữu một mái tóc dày và suôn mượt. Nhưng khi tóc rụng nhiều một cách bất thường không chỉ ảnh hưởng đến bề ngoài mà còn là dấu hiệu của bệnh lý. Lúc này bạn nên đi đến các cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị bệnh đúng cách. Vậy khi khám rụng tóc cần làm những xét nghiệm gì? Để có được câu trả lời mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau của Dưỡng tóc.
Mục lục
1. Rụng tóc là gì?
Rụng tóc là hiện tượng các sợi tóc già yếu, bị tổn thương rụng đi và được thay thế bằng lượng tóc con mới mọc để duy trì độ dày của mái tóc. Mỗi ngày tóc của chúng ta sẽ rụng khoảng 50- 100 sợi, đây là hiện tượng tự nhiên bình thường và không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, nếu lượng tóc rụng hơn 100 sợi mỗi ngày và diễn ra một cách thường xuyên thì đây có thể là biểu hiện của một bệnh lý liên quan nào đó.
2. Nguyên nhân dẫn đến rụng tóc nhiều
Bình thường, mọi người chỉ mất khoảng dưới 100 sợi tóc mỗi ngày. Việc này thường không gây sự chú ý vì tóc mới mọc lên khiến cho tóc trên da đầu sẽ không mỏng đi. Rụng tóc chỉ dễ dàng phát hiện khi lượng tóc rụng nhiều hơn so với tóc mới mọc lại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rụng tóc nhưng bệnh thường xảy ra do một số nguyên nhân chính sau đây:
Do di truyền: đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây lên hiện tượng rụng tóc. Nếu trong gia đình của bạn có người bị mắc bệnh rụng tóc thì bạn cũng rất dễ bị mắc phải chứng bệnh này.
Do thay đổi hormone: theo các nhà nghiên cứu thì nội tiết tố bị thay đổi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh rụng tóc ở bạn. Tuy nhiên, nó chỉ khiến bạn rụng tóc trong một thời gian ngắn. Vì vậy, bạn không cần phải lo lắng nhé. Sau một thời gian, khi cơ thể quen dần, tình trạng này sẽ được cải thiện. Thông thường, lượng hormone trong cơ thể thường thay đổi khi phụ nữ bắt đầu mang thai, sau khi sinh em bé hoặc là thời kỳ tiền mãn kinh. Lúc đầu họ có thể bị rụng tóc nhiều nhưng một thời gian hiện tượng này sẽ không còn xuất hiện nữa.
Do tạo kiểu tóc thường xuyên: việc tạo kiểu tóc thường xuyên như: làm xoăn, duỗi thẳng, nhuộm tóc,…sẽ khiến cho tóc bị tổn thương, sợi tóc yếu, dễ bị gãy rụng hơn.
Do chế độ ăn uống thiếu chất: những chất protein, biotin, vitamin C, vitamin E, 0mega – 3, sắt, kẽm, … đây là những chất cần thiết để giúp tóc phát triển và khỏe mạnh. Một chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng sẽ khiến cho tóc bị rụng thường xuyên trong thời gian dài là điều sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra.
Do chế độ sinh hoạt không lành mạnh: những thói quen như thức khuya, sử dụng thuốc lá, rượu bia hoặc bị căng thẳng, stress, mệt mỏi thường xuyên sẽ khiến cho tình trạng rụng tóc của bạn trở lên trầm trọng hơn.
Do thiếu máu: máu có nhiệm vụ nuôi dưỡng các nang tóc phát triển. Khi bạn bị thiếu máu, tóc sẽ không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất khiến tóc chậm phát triển, chân tóc nhanh bị thoái hóa, dẫn đến tóc rụng nhanh và đột ngột hơn.
Do tác dụng phụ của thuốc: trong thời gian điều trị bệnh, thuốc có thể gây lên một số tác dụng phụ không mong muốn như rụng tóc nhiều. Một số thuốc có thể gây lên rụng tóc như: thuốc tim mạch, thuốc điều trị ung thư,…
Xem thêm: Những bài thuốc Đông y chữa rụng tóc.
3. Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Hầu hết mọi người thường chủ quan khi bị rụng tóc, chỉ khi xuất hiện các triệu chứng nặng như rụng tóc nhiều thành từng mảng trên da đầu, người bệnh mới đến các cơ sở y tế để thăm khám. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, nó sẽ để lại nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
Theo các chuyên gia về da liễu, nếu bạn bị rụng tóc nên đi khám ngay khi xuất hiện một số dấu hiệu sau:
- Tóc rụng một cách đột ngột hoặc loang lổ trên da đầu.
- Lượng tóc rụng nhiều mỗi khi bạn gội đầu, chải đầu hoặc khi vuốt nhẹ tóc.
- Tóc rụng thành từng mảng, trên da đầu xuất hiện các vùng da tóc mọc thưa hoặc hói so với những vị trí khác.
- Sợi tóc bị yếu, dễ bị gãy ngang thân tóc.
- Tóc sau khi rụng mọc chậm hoặc không mọc lại.
4. Rụng tóc cần làm những xét nghiệm gì?
Khi bạn đến các cơ sở y tế thăm khám, trước khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường sẽ kiểm tra một số triệu chứng lâm sàng và yếu tố lịch sử về gia đình của bạn thông qua một vài câu hỏi. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán bệnh rụng tóc được chuẩn hơn như:
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ xác định được rụng tóc nhiều có phải là do bệnh lý gây lên hay không.
- Sinh thiết da đầu: được chỉ định khi rụng tóc da đầu vẫn còn hoặc đang nghi ngờ chẩn đoán. Phương pháp này bác sĩ sẽ lấy mẫu da từ đầu và một vài sợi tóc để xác định bệnh được chính xác hơn.
- Test tế bào: xét nghiệm tế bào có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh rụng tóc có phải do nấm hoặc vi khuẩn gây lên không.
Ngoài những xét nghiệm trên bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm một vài thử nghiệm sau:
- Thử nghiệm lực kéo của tóc: để thử nghiệm lực kéo của tóc, bác sĩ sẽ thực hiện bằng cách lấy khoảng 40 sợi tóc kéo nhẹ nhàng để kiểm tra xem có bao nhiêu sợi bị rụng. Cách làm này sẽ giúp bác sĩ xác định được thời gian, cũng như độ tuổi bị rụng tóc.
- Ánh sáng đèn Wood: giúp cho bác sĩ chẩn đoán và xác định được mức độ da đầu bị tổn thương.
- Kính hiển vi ánh sáng: dụng cụ này giúp cho bác sĩ phát hiện được các rối loạn có thể xảy ra ở thân tóc.
5. Các biện pháp giúp cải thiện tình trạng rụng tóc nhiều tại nhà
5.1. Chăm sóc tóc đúng cách
Để cải thiện tình trạng rụng tóc trong quá trình chăm sóc tóc bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Lựa chọn dầu gội và dầu xả phù hợp với tính chất của tóc và da đầu của bạn.
- Bạn nên gội đầu với nước mát vì gội đầu với nước lạnh sẽ không loại bỏ được bã nhờn và bụi bẩn bám trên tóc. Còn gội với nước quá nóng sẽ khiến cho tóc khô xơ hơn.
- Hạn chế chải đầu khi tóc ướt: nhiều bạn có thói quen chải đầu khi tóc còn ướt vì nghĩ tóc lúc này sẽ dễ chải hơn tóc khô và khi tóc khô vào nếp sẽ đẹp hơn. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai vì khi tóc ướt là thời điểm tóc yếu nhất. Nếu lúc này bạn tác động lực vào mái tóc sẽ khiến tóc rụng nhiều hơn. Lúc tóc ướt tốt nhất bạn chỉ cần dùng khăn bông mềm lau nhẹ tóc.
- Không nên sấy tóc sau khi gội đầu xong: để tóc nhanh khô và tiết kiệm được thời gian, nhiều chị em chọn máy sấy ở mức nhiệt cao để sấy tóc. Việc này sẽ khiến cho mái tóc bị tổn thương, khô xơ và rụng nhiều hơn.
- Bảo vệ tóc mỗi khi đi ra ngoài: những tác nhân từ môi trường bên ngoài như tia UV, gió, khói bụi,… đều gây hại cho mái tóc của chúng ta. Vì vậy, mỗi khi đi ra ngoài bạn cần có biện pháp bảo vệ mái tóc như: dùng kem chống nắng, mũ, nón,….
- Massage da đầu mỗi ngày tầm 10 – 15 phút để tăng tuần hoàn máu, giúp tóc chắc khỏe và mọc nhanh hơn.
Đọc thêm: 5 loại dầu gội thảo dược giúp tóc nhanh dài tốt nhất
5.2. Bổ sung những thực phẩm ngăn ngừa rụng tóc
Việc thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tóc và da đầu. Nếu bạn muốn chấm dứt tình trạng rụng tóc thì bạn nên bổ sung những thực phẩm ngăn ngừa rụng tóc trong thực đơn hàng ngày như:
- Các loại thịt gia cầm: các loại thịt như thịt gà, thịt lợn, thịt vịt,… có chứa nhiều protein và các dưỡng chất khác có tác dụng ngăn ngừa tóc rụng.
- Các loại cá giàu omega – 3: cá hồi, cá mòi,… có chứa hàm lượng axit béo omega – 3 cao nên có khả năng cải thiện sức khỏe của tóc. Ngoài tác dụng trên, omega – 3 còn có khả năng ngăn chặn sản xuất ra hormone gây lên hiện tượng tóc rụng.
- Trứng: trong quả trứng có chứa nhiều loại vitamin, biotin, protein,… đây là những chất có tác dụng ngăn chặn tóc rụng hiệu quả.
- Các loại rau màu xanh đậm: đây là loại rau có chứa giá trị dinh dưỡng cao như: sắt, canxi, kali, vitamin C, vitamin K,… đây là chất giúp cho tế bào tóc chắc khỏe. Một số loại rau tốt cho ngăn ngừa tóc rụng như: rau cải, rau bina, rau diếp,… bạn nên bổ sung những loại rau này trong bữa ăn hàng ngày.
- Trái cây: trong trái cây có chứa nhiều sắt, biotin, vitamin A, vitamin C,… có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào, trong đó có cả tế bào tóc của chúng ta.
- Các loại hạt như: hạt óc chó, hạt macca, hạt hướng dương,… có chứa nhiều omega – 3, omega – 6, chất chống oxy hóa giúp giảm tóc rụng và kích thích tóc mới mọc nhanh hơn.
5.3. Uống nhiều nước
Thân tóc có chứa khoảng 25% là nước, thiếu nước sẽ khiến cho tóc rụng nhiều và khó mọc lại hơn. Để cải thiện tình trạng rụng tóc bạn nên bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày. Việc uống đủ nước không chỉ giúp cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào, giúp tóc mọc nhanh mà còn giúp cơ thể hoạt động được tốt hơn.
5.4. Ủ tóc với các nguyên liệu tự nhiên giúp ngăn ngừa rụng tóc
Bên cạnh việc bổ sung những thực phẩm ngăn ngừa rụng tóc qua thực đơn ăn hàng ngày, bạn có thể kết hợp với việc sử dụng những nguyên liệu từ tự nhiên để ủ tóc để giảm lượng tóc rụng, cung cấp chất dinh dưỡng giúp tóc khỏe mạnh và mọc nhanh hơn. Bạn có thể làm một số mặt nạ sau để ủ tóc tại nhà:
- Ủ tóc với nước cốt hành tây.
- Ủ tóc tóc dầu dừa nguyên chất.
- Ủ tóc bằng cách kết hợp bơ với chuối.
- Ủ tóc bằng cách kết hợp sữa tươi không đường với mật ong nguyên chất.
- Ủ tóc bằng cách kết hợp lòng đỏ trứng gà với sữa chua không đường.
Rụng tóc là một bệnh phổ biến và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy đây không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng bạn cũng không nên chủ quan vì nó có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc có dấu hiệu nặng bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm: Cách massage da đầu cho tóc nhanh dài.