Cứ ngỡ gội đầu là tiêu chuẩn để làm da đầu hết ngứa, thế nhưng thực tế không hẳn vậy. Rất nhiều người lâm vào tình cảnh gội đầu xong tóc vừa khô là lại “ngứa như điên”. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì và làm thế nào để khắc phục? Mời bạn đọc tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Tại sao gội đầu xong vẫn ngứa?
Ngứa da đầu ngay sau khi gội là tình trạng phổ biến ở rất nhiều người. Dưới đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
1.1 Kích ứng với dầu gội
Nguyên nhân đầu tiên gây ngứa sau khi gội đầu phải kể đến là sử dụng dầu gội không phù hợp khiến da đầu bị kích ứng. Tính chất da đầu của mỗi người là không giống nhau, có thể phân thành: da đầu khô, da đầu nhờn, da đầu hỗn hợp và da đầu nhạy cảm. Dựa trên yếu tố này, các nhà sản xuất cho ra đời nhiều dòng sản phẩm dầu gội khác nhau nhằm cải thiện khuyết điểm của tóc và da đầu.
Việc lựa chọn dòng sản phẩm không phù hợp với tóc và da đầu có thể gây ra hiện tượng ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu. Giả sử, nếu bạn có da dầu nhờn nhưng lại dùng dòng gội đầu dành cho tóc khô. Lúc này, hàm lượng chất dưỡng ẩm cao trong dầu gội có thể khiến tóc và da đầu bị bết nhờn, gây cảm giác bí bách, khó chịu và mẩn ngứa.
Vì lý do này, khi bị ngứa da đầu thường xuyên, bạn cần định rõ loại da đầu và tóc của mình là gì. Sau đó, kiểm tra lại dòng dầu gội mà bạn đang dùng. Với những người có da đầu nhạy cảm, hay bị ngứa nên ưu tiên những dòng dầu gội có uy tín, nguồn gốc tự nhiên để giảm tình trạng kích ứng, lành tính và có độ an toàn cao với da đầu.
1.2 Ngứa do gàu
Bị ngứa đầu ngay sau khi gội có thể do các mảng bám gàu trên da đầu chưa được làm sạch. Về bản chất, gàu là các mảng tế bào chết của da đầu bị nhiễm nấm melissa sinh ra. Loại nấm này được hình thành và phát triển trên môi trường da đầu nhiều dầu nhờn và bụi bẩn. Chúng hoạt động bằng cách kích thích thời gian tăng sinh và chết đi của tế bào da đầu, khiến lượng tế bào chết sinh ra nhiều hơn bình thường, đóng vảy và tạo thành gàu.
Sự xuất hiện của gàu không chỉ khiến da đầu bứt rứt, ngứa ngáy liên tục mà còn làm mất thẩm mỹ, tạo cảm giác tự ti trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.
1.3 Ngứa do buộc tóc quá chặt
Có nhiều mẫu tóc đẹp nhưng lại gây hại cho da đầu như: buộc đuôi ngựa cao, búi chặt hoặc tết tóc sát da đầu. Buộc tóc quá chặt có thể gây áp lực lên da đầu, tác động đến hệ thống thần kinh trên da đầu và gây ra cảm giác ngứa ngáy râm ran. Ngoài ra, với những mái tóc yếu, việc buộc hay siết tóc quá chặt có thể khiến tóc dễ gãy rụng, gây ngứa da đầu.
Theo các chuyên gia, bạn không nên tạo kiểu tóc quá chặt khi thường xuyên có cảm giác ngứa ngáy trên da đầu, đặc biệt vào thời điểm mới gội đầu xong. Cách tốt nhất là nên thả nhẹ nhàng, hoặc bạn có thể buộc nhẹ nếu muốn giữ tóc gọn gàng.
1.4 Sử dụng khăn lau tóc kém chất lượng
Không ít người có thói quen sử dụng khăn mềm để lau và quấn tóc sau khi gội đầu. Theo các chuyên gia, đây là thói quen tốt vì không làm mất đi độ ẩm tự nhiên trong quá trình làm khô. Tuy nhiên, nếu sử dụng những loại khăn kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh hoặc dễ xù lông thì có thể gây ngứa da đầu.
Không chỉ vậy, những loại khăn này còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mái tóc, khiến tóc yếu hơn và dễ gãy rụng. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên lựa chọn những dòng khăn từ chất lượng cotton uy tín, bề mặt sợi mềm mại, hút nước tốt, tránh gây tổn thương tóc và kích ứng da đầu.
1.5 Ngứa do chấy
Ngứa da đầu do chấy là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Đây là một loại ký sinh trùng sống bằng cách hút máu trên da đầu. Quá trình này gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu, đồng thời gây tổn thương da đầu, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và khiến tóc dễ gãy rụng.
1.6 Ngứa do bệnh lý
Ngứa da đầu có thể là một triệu chứng của bệnh lý trên da đầu như: viêm nang lông, vảy nến, dị ứng hoặc ung thư. Trong đó:
- Vảy nến: Được biểu hiện rõ ràng lớp vảy trắng đóng trên da đầu gây ngứa, thậm chí nhức nhối trên da đầu. Dấu hiệu này rõ ràng nhất ở vùng đỉnh đầu và sau gáy. Bệnh gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh dễ tự ti.
- Viêm nang lông: Xảy ra do vi khuẩn hoặc vi nấm tấn công nang lông trên da đầu gây nhiễm trùng. Tình trạng này không chỉ gây ngứa mà còn có thể khiến tóc suy yếu, dễ gãy rụng.
- Mề đay: Thường xuất hiện vào mùa hè khi da đầu tăng tiết dầu và đổ nhiều mồ hôi. Bệnh được biểu hiện với các triệu chứng như: ngứa ngáy, sưng đỏ, nổi mẩn đỏ,…
- Ung thư da đầu: Khiến hệ thống dây thần kinh trên da đầu bị ảnh hưởng, tạo cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Dấu hiệu nhận biết là sự xuất hiện của các khối u có loét chảy máu gây đau hoặc không gây đau trên da đầu.
- Bệnh liên quan đến dây thần kinh: Thường gặp nhất là tiểu đường và zona thần kinh. Bệnh làm giảm lượng máu nuôi dưỡng da đầu và tổn thương dây thần kinh trên da đầu gây cảm giác ngứa ngáy.
2. Làm thế nào khi bị ngứa da đầu sau khi gội?
Ngứa ngáy da đầu không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Quan trọng hơn, ngứa da đầu do nguyên nhân bệnh lý có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, ngay khi gặp phải tình trạng ngứa da đầu kéo dài không rõ nguyên nhân, bạn nên chủ động thăm khám sớm để làm rõ vấn đề và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, bạn cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt và thói quen chăm sóc da đầu khoa học để cải thiện nhanh triệu chứng này. Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia:
- Chọn kiểu tóc phù hợp: Khi bị ngứa da đầu, cần tránh tối đa những kiểu tóc buộc, tết hoặc búi quá chặt khiến chân tóc và da đầu bị tổn thương. Những kiểu tóc nhẹ nhàng như thả lỏng hoặc buộc hờ là lựa chọn hợp lý.
- Chọn sản phẩm phù hợp: Ưu tiên những sản phẩm tự nhiên có nguồn gốc rõ ràng, uy tín và quan trọng nhất là phù hợp với da đầu. Nếu chưa tự chọn được, bạn có thể liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu để được tư vấn.
- Gội đầu đều đặn: Duy trì thói quen gội đầu từ 2 – 3 lần/ ngày để loại bỏ dầu nhờn, tế bào chết, bụi bẩn và các sản phẩm tạo kiểu tóc trên da đầu. Điều này giúp da đầu sạch thoáng, tránh tình trạng bí bách, ngứa ngáy.
- Vệ sinh dụng cụ cá nhân: Gồm mũ bảo hiểm, khăn lau, chăn gối, áo chống nắng,… Đây là những dụng cụ thường xuyên tiếp xúc với da đầu, có thể khiến da đầu bị nhiễm khuẩn, nấm, ký sinh trùng nếu không được làm sạch.
- Hạn chế dùng hóa chất: Việc sử dụng các loại hóa chất làm tóc thường xuyên khiến da đầu trở nên nhạy cảm, dễ bị ngứa ngáy, nổi mẩn và tăng nguy cơ mắc các bệnh da liễu trên da đầu.
- Massage da đầu: Nhằm kích thích tuần hoàn máu nuôi dưỡng da đầu và các nang tóc. Nhờ đó, da đầu và tóc chắc khỏe hơn, hạn chế tình trạng ngứa ngáy hoặc tăng kích ứng.
- Áp dụng biện pháp bảo vệ: Nếu phải ra ngoài, bạn cần đội mũ, sử dụng áo chống nắng và sản phẩm chống nắng. Điều này giúp hạn chế ảnh hưởng của tia UV đến da đầu gây cháy nắng, kích ứng và tăng nguy cơ ung thư.
- Đừng ngủ khi tóc ướt: Thói quen này khiến da đầu dễ bị bệnh da liễu. Vì vậy, hãy lau và sấy khô tóc trước khi đi ngủ.
Dễ thấy, ngứa da đầu sau khi gội có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ phần nào vấn đề mình gặp phải và nhanh chóng tìm được giải pháp khắc phục.