Nếu bạn đã thử thay đổi mọi loại dầu xả, dầu gội hay kem dưỡng tóc chuyên dụng mà da đầu vẫn nhờn rít khó chịu thì rất có thể đây là lúc da đầu cần được tẩy tế bào chết. Việc tẩy da chết đều đặn không chỉ đem lại cho bạn sở hữu mái tóc bồng bềnh, suôn mượt mà còn giúp da đầu của bạn khô thoáng, dễ chịu hơn.
Mục lục
1. Tẩy tế bào chết da đầu là gì?
Tẩy tế bào chết da đầu là phương pháp sử dụng các tác nhân vật lý hoặc hóa học nhằm làm bong tróc hoặc hòa tan lớp tế bào chết, dầu nhờn và bụi bẩn tích tụ trên da đầu. Việc làm này giúp các nang tóc thông thoáng, tạo điều kiện cho tuần hoàn máu lưu thông đến nang tóc tốt hơn. Đây cũng là chìa khóa để da đầu khỏe hơn, thúc đẩy quá trình mọc tóc và nuôi dưỡng tóc chắc khỏe.
Theo các chuyên gia, tẩy tế bào chết cho da đầu có thể mang đến nhiều lợi ích như:
- Loại bỏ chất bẩn: Các chất tẩy tế bào chết có nhiệm vụ làm bong hoặc hòa tan tế bào chết bám chặt trên da đầu, đồng thời kéo theo các chất bẩn và dầu nhờn dư thừa ra khỏi nang tóc, đem lại cảm giác sạch thoáng, dễ chịu trên da đầu.
- Thúc đẩy quá trình mọc tóc: Nang tóc được làm sạch sẽ dễ dàng thẩm thấu dưỡng chất được cung cấp qua sản phẩm dưỡng tóc. Tuần hoàn máu nuôi dưỡng nang tóc tốt hơn, từ đó thúc đẩy quá trình mọc tóc và nuôi dưỡng tóc chắc khỏe.
- Giúp tóc bóng mượt: Quá trình tẩy da chết cũng giúp tóc được làm sạch tốt hơn. Điều này giúp các sản phẩm dưỡng tóc phát huy tối đa hiệu quả, trở nên suôn mượt và mềm mại hơn.
- Giảm nguy cơ bệnh lý: Tẩy da chết cho da đầu ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông và nang tóc, từ đó hạn chế được nguy cơ về các bệnh như: viêm da tiết bã, viêm da dị ứng, viêm nang lông,….
2. Cách tẩy tế bào chết cho từng loại da đầu
Hiện nay có rất nhiều phương pháp tẩy da chết khác nhau được bày bán trên thị trường hoặc chia sẻ trên các diễn đàn làm đẹp. Tuy nhiên, một công thức phù hợp với người này không hẳn sẽ hiệu quả với người khác. Lý do nằm ở sự khác biệt về tính chất tóc và da đầu của mỗi người.
Như vậy, cơ sở để lựa chọn cách tẩy tế bào chết da đầu chính loại tóc và da đầu của người đó, cụ thể:
- Người có da đầu nhờn: Sở hữu các tuyến dầu hoạt động mạnh mẽ nên tóc và da đầu dễ bị bết nhờn, sinh gàu. Trường hợp này nên áp dụng các phương pháp tẩy tế bào chết hóa học, có thành phần BHA và kẽm.
- Người có da đầu khô: Da của người này ít tuyến dầu hoặc tuyến dầu kém hoạt động nên tóc hiếm khi bị bết nhờn. Bạn nên sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết có thành phần B5 để cấp ẩm và hạn chế tình trạng tóc khô xơ.
- Người có da đầu nhạy cảm: Dễ bị ngứa ngáy, mẩn đỏ khi tiếp xúc với tác nhân lạ. Bạn nên lựa chọn phương pháp tẩy tế bào chết từ than hoạt tính và tinh dầu bạc hà. Thành phần tự nhiên vừa làm sạch lại giảm nguy cơ kích ứng.
- Người có mái tóc mịn: Là mái tóc dày, sợi mỏng và mịn dễ bị tích tụ các sản phẩm tạo kiểu tóc. Những người này nên lựa chọn sản phẩm tẩy da chết có cấu trúc thô để làm sạch nang lông và các sản phẩm tích tụ.
- Người hay nhuộm tóc: Nên ưu tiên các phương pháp tẩy da chết vật lý tự nhiên, tránh các sản phẩm hóa học mạnh hoặc chứa sulfat khiến tóc dễ phai màu.
- Người có da đầu thường: Đây là loại da đầu “dễ tính” nhất, bạn có thể áp dụng bất kỳ phương pháp tẩy da chết nào với liều lượng và tần suất hợp lý.
3. 4 công thức tẩy tế bào chết da đầu tự nhiên hiệu quả
Áp dụng các công thức tự nhiên đang dần trở thành xu hướng trong chăm sóc da và tóc của phái đẹp. Chính vì vậy, không ít chị em sẵn sàng dành thời gian để chế biến các công thức tẩy tế bào chết da đầu từ nguyên liệu tự nhiên tại nhà. Dưới đây là một số công thức đơn giản và được áp dụng nhiều nhất.
3.1 Bột ngô – dầu bạc hà
Công thức tẩy tế bào chết da đầu từ bột ngô và dầu bạc hà là đại diện điển hình của nhóm tẩy tế bào chết vật lý. Trong khi các hạt bột ngô giúp làm bong tế bào chết khỏi da đầu thì dầu bạc hà kích thích tuần hoàn máu, giúp lỗ chân lông và da đầu được thư giãn. Công thức này có thể áp dụng cho mọi loại da.
Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Trộn đều một ít bột ngô (hoặc bột hạnh nhân) với dầu bạc hà (hoặc dầu cây trà) trong một cái bát.
- Bước 2: Làm ướt tóc và da đầu, sau đó thoa đều hỗn hợp kết hợp với thao tác massage da đầu nhẹ nhàng bằng các đầu ngón tay.
- Bước 3: Xả sạch hỗn hợp trên tóc và gội sạch lại cùng dầu gội chuyên dụng cho da đầu.
3.2 Dầu dưỡng tóc – đường nâu
Công thức này tận dụng được nguồn dưỡng chất phong phú trong sản phẩm dưỡng tóc, giúp tóc mềm mại và suôn mượt tự nhiên sau khi tẩy da chết.
Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Trộn đều hỗn hợp gồm 1/4 cốc dầu dưỡng tóc và 1/4 cốc đường nâu.
- Bước 2: Làm ướt tóc và da đầu sau đó thoa đều hỗn hợp lên đầu kết hợp massage nhẹ nhàng trong khoảng 3 phút.
- Bước 3: Xả sạch hỗn hợp và gội đầu bình thường.
3.3 Dầu ô liu – đường nâu
Dầu ô liu kết hợp với đường nâu là phương pháp tẩy tế bào chết vật lý cho da đầu được nhiều người ưa chuộng. Các cạnh của hạt đường nâu dễ dàng lấy đi lớp tế bào chết và bụi bẩn trên da đầu trong khi đó, dầu ô liu tạo độ trơn, hạn chế lực ma sát quá mức. Bên cạnh đó, dầu ô liu còn cấp ẩm hiệu quả cho những người có da đầu khô.
Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Trộn đều hỗn hợp gồm 1/4 chén dầu ô liu và 1/4 cốc đường nâu.
- Bước 2: Làm ướt tóc và da đầu sau đó thoa đều hỗn hợp lên đầu kết hợp massage nhẹ nhàng trong khoảng 3 phút.
- Bước 3: Xả sạch hỗn hợp trên da đầu và gội lại cùng dầu gội.
3.5 Mật ong – dầu ô liu – đường
Công thức này không chỉ giúp tẩy tế bào chết mà còn cấp ẩm, kháng khuẩn và làm dịu da đầu hiệu quả. Tuy nhiên, mật ong có thể gây kích ứng với làn da nhạy cảm. Vì vậy, bạn nên thử trên vùng da nhỏ trước khi áp dụng trên toàn bộ đầu.
Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Trộn hỗn hợp tẩy da chết gồm: 1 muỗng mật ong, 1/2 muỗng dầu ô liu và 3 muỗng canh đường nâu.
- Bước 2: Làm ướt tóc và da đầu, sau đó thoa đều hỗn hợp và massage nhẹ nhàng trong khoảng 3 – 5 phút.
- Bước 3: Xả sạch hỗn hợp và gội đầu như bình thường.
4. Lưu ý khi tẩy tế bào chết cho da đầu
Tẩy da chết mặc dù tốt nhưng nếu thực hiện sai cách lại có thể khiến da đầu tổn thương. Dưới đây là một số lưu ý cho bạn khi tẩy tế bào chết cho da đầu:
- Không tẩy tế bào chết khi da đầu có các vết thương hở vì có thể khiến tổn thương nặng hơn và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Không tẩy tế bào chết khi da đầu có chấy vì có thể khiến các tổn thương do chấy cắn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không lạm dụng việc tẩy tế bào chết quá nhiều. Bạn chỉ nên tẩy da chết cho da đầu từ 1 – 2 lần/ tuần.
- Khi thấy có dấu hiệu bất thường như: ngứa ngáy, châm chích, mẩn đỏ,… cần xả sạch da đầu và ngưng ngay phương pháp đang áp dụng.
- Kết hợp tẩy da chết với các bước chăm sóc tóc và da đầu khác để có được kết quả chăm sóc tóc tốt nhất.
Tẩy tế bào chết cho da đầu là việc quan trọng nhưng không quá thần kỳ. Bạn cần hiểu rõ cơ chế tác dụng, hiệu quả cũng như lợi ích thực tế mà nó đem lại, tránh việc “thần thánh hóa” phương pháp dẫn đến lạm dụng gây phản tác dụng và ảnh hưởng đến sức khỏe da và tóc. Chúc bạn luôn tự tin với mái tóc đẹp cuốn hút và tự nhiên!