Viêm da tiết bã da đầu tuy chỉ gây tổn thương trên bề mặt của da đầu, không gây nguy hại đến tính mạng nhưng nó ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của người bệnh do tính chất dai dẳng và rất dễ tái phát. Vậy bệnh viêm da tiết bã da đầu là gì, hình thành do đâu và cách chữa như thế nào? Để có được lời giải đáp mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau.
Mục lục
1. Viêm da tiết bã da đầu là gì?
Viêm da tiết bã da đầu hay còn được gọi là viêm da đầu hoặc là chàm da mỡ. Bệnh được hình thành do sự hoạt động mạnh của vi khuẩn và nấm men kết hợp với dầu nhờn được tiết ra trên da đầu. Viêm da đầu thường khiến da bị khô, bong tróc nhiều vảy nhỏ. Nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời bệnh dễ chuyển thành mãn tính, rất dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm.
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm da tiết bã da đầu?
Theo Y học, bệnh viêm da tiết bã da đầu xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân chính được xác định là do sự hoạt động và phát triển của nấm men Malassezia. Khi gặp điều kiện thuận lợi, nấm men này hoạt động tích cực hơn kết hợp với lượng dầu nhờn tiết trên da đầu. Từ đó dẫn đến da đầu bị viêm da tiết bã. Bên cạnh nguyên nhân đó, bệnh lý viêm da đầu còn được khởi phát do một số nguyên nhân sau:
Do di truyền: theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy rằng, nếu trong gia đình bạn có người bị mắc bệnh viêm da tiết bã da đầu hoặc bệnh vảy nến thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn so với những người bình thường khác.
Do cơ địa da dầu: ở những người có cơ địa da dầu thì tuyến nhờn sẽ hoạt động mạnh hơn, khiến cho lường dầu được tiết ra nhiều hơn. Môi trường ẩm ướt, nhiều dầu thích hợp cho các nấm men Malassezia sinh sôi và phát triển mạnh. Khi nấm này hoạt động mạnh sẽ dẫn đến da đầu bị viêm da tiết bã.
Do thời tiết: trên da đầu mỗi người có tồn tại một lớp màng có tên là lipid có tác dụng bảo vệ da khỏi những tác động của các yếu tố nội và ngoại sinh. Khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là mùa đông, khiến cho da bị mất nước, khô ráp, bong tróc vảy. Khi lớp màng bảo vệ này bị phá vỡ thì đây là điều kiện thuận lợi để cho các loại nấm phát triển.
Do sức đề kháng bị suy giảm: bệnh viêm da tiết bã da đầu thường khởi phát ở những đối tượng có hệ miễn dịch yếu, sức đề kháng kém, cơ thể bị suy nhược. Đây là điều kiện thuận lợi để cho nấm xâm nhập và phát triển.
Do chế độ ăn uống: chế độ ăn uống có chứa những thực phẩm có hàm lượng đường, dầu mỡ, muối, gia vị cay nóng cao sẽ kích thích da tiết nhiều dầu nhờn hơn, tạo điều kiện cho nấm men phát triển và kích thích gây lên viêm da đầu.
Do tác dụng phụ của một số thuốc: một số loại thuốc kháng sinh, thuốc ức chế hệ miễn dịch, thuốc corticoid,…có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị viêm da tiết bã da đầu.
Do một số nguyên nhân khác: ngoài những nguyên nhân trên, bạn cũng có thể bị viêm da đầu nếu thường xuyên bị trầm cảm, stress, rối loạn nội tiết, vệ sinh da đầu kém, sinh sống ở những nơi có môi trường bị ô nhiễm,…
Tham khảo thêm: Bạn cần làm gì khi da đầu ngứa vào mùa đông?
3. Triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã da đầu
Triệu chứng của viêm da tiết bã da đầu có sự khác nhau theo từng độ tuổi. Đa số đối tượng viêm da đầu là trẻ sơ sinh từ 0 – 3 tháng tuổi và một nhóm nhỏ là người trưởng thành. Dưới đây là triệu chứng bệnh cụ thể:
Đối với trẻ sơ sinh
Với những trẻ sơ sinh thường bị viêm da tiết bã từ 0 – 3 tháng tuổi và chỉ gây lên triệu chứng ở vùng da đầu. Tuy nhiên, những triệu chứng này sẽ tự biến mất sau 3 – 12 tháng tuổi mà không cần can thiệp bởi các biện pháp điều trị. Dưới đây là một số biểu hiện của viêm da đầu ở trẻ nhỏ:
- Trên da đầu xuất hiện những mảng da có màu vàng nhạt hoặc màu nâu đen tùy theo màu da của từng trẻ.
- Các mảng da bám chặt vào da đầu và chân tóc, nhưng không gây sưng đau, không ngứa và nóng rát cho bé.
- Viêm da tiết bã da đầu ở trẻ thường xuất hiện cùng với chàm, hen suyễn, hoặc các bệnh lý viêm da cơ địa khác.
Đối với người lớn
khác với trẻ nhỏ, bệnh xảy ra ở những người lớn tuổi thường có xu hướng kéo dài, rất dễ bị tái phát và khó có thể điều trị hoàn toàn. Dưới đây là một số biểu hiện điển hình của bệnh viêm da đầu ở người lớn:
- Vùng chân tóc xuất hiện nhiều vết ban có màu đỏ, da đầu tiết nhiều dầu bất thường, tóc bết dính hơn bình thường. Bề mặt có những vảy nhỏ bong tróc trông giống như gàu.
- Ở xung quanh mụn có những bờ viền đỏ, nổi cộm, khiến cho người bệnh có cảm giác đau rát.
- Bệnh viêm da tiết bã da đầu không gây ngứa, nhưng nếu bạn tiếp xúc với bụi bẩn, vi khuẩn hoặc mồ hôi đổ nhiều sẽ có cảm giác ngứa da đầu ở mức độ nhẹ.
4. Cách điều trị bệnh viêm da tiết bã da đầu
Hiện nay chưa có biện pháp nào điều trị viêm da tiết bã da đầu dứt điểm và triệt để. Tất cả các biện pháp được áp dụng chỉ mang lại tác dụng giảm các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát. Từ thực tế cho thấy rằng, nếu tích cực điều trị và chăm sóc da tốt, viêm da đầu thường đáp ứng tốt và không bùng phát mạnh.
Dưới đây là một số biện pháp điều trị viêm da đầu, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà bạn áp dụng phương pháp điều trị sao cho phù hợp:
4.1. Điều trị bệnh viêm da tiết bã da đầu bằng phương pháp dân gian
Chữa viêm da tiết bã da đầu bằng cây ngải dại
Cây ngải dại có vị đắng và chứa một lượng lớn tinh dầu có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn. Ngoài ra, cây ngải dại còn giúp giảm ngứa, ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm, giúp nhanh lành những tổn thương trên da. Nhờ những công dụng trên mà cây ngải dại được nhiều người tin dùng để chữa viêm da đầu.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị một nắm cây ngải dại, lấy cả thân và lá. Đem rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, sau đó ngâm với nước muối pha loãng tầm 10 phút thì vớt ra.
- Chặt cây ngải dại thành từng khúc nhỏ, cho vào nồi đun sôi với 2 lít nước. Nước sôi vặn nhỏ lửa đun tầm 5 phút để các tinh chất trong cây ngải dại ngấm hết ra nước.
- Dùng khăn xô lọc lấy nước cốt, đổ ra thau cho nguội.
- Dùng nước lá ngải để gội đầu, trong lúc gội kết hợp massage nhẹ nhàng 3 – 5 phút để các dưỡng chất thẩm thấu sâu vào tóc và da đầu.
- Bạn chỉ cần thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/tuần trong vòng 1 tháng sẽ thấy các triệu chứng của viêm da đầu thuyên giảm rõ rệt.
Chữa viêm da tiết bã da đầu bằng cây bạc hà
Cây bạc hà có tính mát, vị cay, có tác dụng sát trùng tốt, giúp xoa dịu cảm giác khó chịu, giảm đau ở những vùng da bị bệnh. Ngoài ra, trong cây bạc hà có chứa hoạt chất methol có khả năng sát khuẩn mạnh, giúp tiêu diệt vi khuẩn và nấm gây lên bệnh viêm da đầu.
Sử dụng cây bạc hà dùng để gội đầu còn có tác dụng làm sạch dầu nhờn dư thừa, ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn. Từ đó, giúp lỗ chân lông được thông thoáng, ngăn ngừa bệnh viêm da đầu tái phát trở lại.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị một nắm lá bạc hà, rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.
- Cho lá bạc hà vào nồi đun sôi với 2 lít nước, nước sôi vặn nhỏ đun tầm 3 – 5 phút thì tắt bếp.
- Chắc lấy nước cốt đổ ra thau chờ nước nguội.
- Dùng nước bạc hà để gội đầu, trong lúc gội kết hợp với massage nhẹ nhàng để các dưỡng chất thẩm thấu sâu vào da đầu và tóc, giúp trị viêm da đầu được hiệu quả hơn.
4.2. Điều trị bệnh viêm da tiết bã da đầu bằng thuốc
Trong trường hợp bệnh có diễn biến phức tạp bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc bôi để làm giảm tổn thương và tăng cường sức đề kháng cho da. Còn trong trường hợp bệnh bị trên diện rộng và có thể phát triển nặng hơn thì bác sĩ có thể cân nhắc kết hợp cả thuốc bôi và thuốc uống.
Dưới đây là một số loại thuốc hay được bác sĩ kê đơn trong điều trị viêm da tiết bã da đầu, gồm:
- Thuốc kháng nấm dạng bôi: viêm da đầu thường xảy ra do hoạt động của nấm men Malassezia, do đó những thuốc kháng nấm dạng bôi thường được ưu tiên chỉ định. Thuốc kháng nấm dạng bôi thường có chứa hoạt chất nhóm Azol như Ciclopirox, Ketoconazole hoặc Selenium và Zinc pyrithion.
- Thuốc bạt sừng: đây là thuốc có tác dụng làm sạch những mảng vảy bong trên da đầu, ngăn chặn tiết dầu thừa và hạn chế sinh tế bào sừng. Thuốc này thường chứa một số hoạt chất như Acid lactic, Acid salicylic và Propylen glycol.
- Thuốc bôi có chứa Corticoid: thuốc có chứa Corticoid thường được bác sĩ kê trong trường hợp bệnh bùng phát mạnh. Thuốc được sử dụng từ 1 – 3 tuần và sẽ giảm liều lượng khi triệu chứng đã được thuyên giảm.
- Thuốc ức chế calcineurin: thuốc calcineurin có tác dụng giúp giảm tổn thương da và ngăn chặn tình trạng bệnh lan sang những vùng da khác. Đây là thuốc có thể sử dụng thay thế cho thuốc bôi chứa corticoid trong một số trường hợp cần thiết.
- Thuốc kháng nấm dạng uống: nhóm thuốc này chỉ được bác sĩ chỉ định dùng trong trường hợp viêm da tiết bã da đầu gây tổn thương da trên diện rộng. Thuốc uống có tác dụng ức chế nấm men, giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng của bệnh có thể gây lên. Những thuốc kháng nấm dạng uống có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của nam và khả năng chuyển hóa của gan. Do đó, bạn chỉ dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc kháng sinh: Với những người bị bệnh ở mức độ nặng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm thuốc kháng sinh dạng uống để ngăn ngừa viêm nhiễm da.
Bệnh viêm da tiết bã da đầu không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nó lại bị dai dẳng và dễ tái phát. Nếu bạn muốn tránh xa những phiền toái từ căn bệnh này thì nhớ áp dụng các biện pháp mà Dưỡng tóc chia sẻ ở trên nhé. Chúc bạn sở hữu mái tóc mềm mượt và chắc khỏe.
Tham khảo thêm: Ngứa da đầu và rụng tóc nhiều là bệnh gì?